Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với người dân sống tại ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Năm 2013, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm.
Năm 2014, Thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”.
Từ đó đến nay, 13 dự án với tổng mức đầu tư là 178,029 tỷ đồng đã được thực hiện. Hiện, vẫn còn 5 nội dung chưa được triển khai thực hiện hoặc chưa hoàn thành.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn, thị xã Sơn Tây đã đề xuất, kiến nghị với Thành phố: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu đô thị ST4; hướng dẫn thị xã Sơn Tây thực hiện điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm…
Thường trực Thành ủy Hà Nội khảo sát một số di tích lịch sử trên địa bàn thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây cũng kiến nghị Thành phố hỗ trợ kinh phí, cho phép và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch thị xã Sơn Tây bao gồm các nội dung như: Mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, Đền và lăng vua Ngô Quyền, khu di tích Đền Và, Văn Miếu, Thành cổ; xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ…
Để nắm bắt tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích thời gian qua; làm rõ từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khảo sát tại Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Đền và lăng vua Ngô Quyền; một số công trình hồ ao tại thôn Cam Lâm; đình làng Mông Phụ và một số ngôi nhà cổ tại di tích làng cổ ở Đường Lâm (xã Đường Lâm); di tích Đền Và (phường Trung Hưng).
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thị sát chi tiết các công trình, đánh giá ưu điểm, hạn chế; xem xét cụ thể các giải pháp, đánh giá các khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra, cơ hội, điều kiện tạo sức sống mới cho các di tích.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các di tích lịch sử. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Trao đổi với báo chí sau buổi khảo sát, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây có giá trị văn hóa lịch sử to lớn, trong đó, làng cổ ở Đường Lâm là di tích hiếm có, thuộc dạng độc nhất vô nhị của cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, buổi khảo sát đã giúp Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá được tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này thời gian qua; làm rõ từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại. Đây là cơ sở rất quan trọng để lãnh đạo Thành phố xem xét, chỉ đạo trước hết là công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời xây dựng các cơ chế nhằm đạt được 3 mục tiêu, vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ; đồng thời, nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân.