Biến bãi rác thành không gian nghệ thuật công cộng

 Được UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã được thực hiện bởi một nhóm nghệ sĩ tình nguyện gồm 16 người. Họ đã tạo ra 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng thú vị, làm thay đổi diện mạo khu vực nằm giữa khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – khu vực vốn được coi như bị “bỏ quên”,  thành một bãi rác tự phát.  

Cũng vì khu vực này trước đây toàn rác là rác nên giám tuyển dự án Nguyễn Thế Sơn mới có ý tưởng tái chế, sử dụng rác của người dân đưa vào dự án.

Hầu hết các vật liệu được sử dụng trong các tác phẩm của dự án là vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy, lốp xe, ống bô xả, túi ni lông… Nhưng dự án không chỉ đơn thuần là tái chế, mà qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử, của Thăng Long – Kẻ Chợ.

Dự án đã được người dân nơi đây đón nhận nhiệt tình. Họ còn tham gia thu gom vỏ chai, vỏ lon, sắt vụn,…để các nghệ sĩ sáng tác.  Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã làm đẹp hơn cho không gian sống nơi đây.

Tác phẩm “Thành phố ven sông” của tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm được làm từ thùng phi sắt cũ và đèn led. Tác phẩm đặc biệt nổi bật vào buổi tối khi các ô cửa biến đổi màu sắc liên tục tạo nên một ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Tác phẩm “The Red River’s Dragon” của kiến trúc sư Diego Cortiza – một người nước ngoài gắn bó với Hà Nội 25 năm. Trong tác phẩm sắp đặt của mình, Diego thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Ngoài ra, Diego còn thiết kế 1 dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để thành nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” của tác giả Nguyễn Trần Ưu Đàm được làm từ các bộ phận xe máy cũ như ống bô, khung, động cơ… và sắt tấm tái chế sơn màu. Tác phẩm là một sắp đặt nói đến trận chiến cho cuộc sống xanh. Mỗi người lái xe máy như là một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đang chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà.

Tác phẩm “PhucTanGang” của tác giả Nguyễn Xuân Lam. Tác giả đưa tranh Hàng Trống vào tác phẩm của mình, kết hợp cùng tạo hình của những thanh tò he- trò chơi dân gian truyền thống của trẻ con, dùng composite tạo thành những sắp đặt 3D gần gũi với đời sống.

Tác phẩm “Thuyền” của Vũ Xuân Đông được làm từ vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng, khung sắt, gốm vụn.

Tác phẩm “Phản chiếu song hành” của tác giả Cấn Văn Ân được làm từ sắt thép và gương. Tác giả tạo ra một con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh chính cây cầu Long Biên. Ánh sáng lấp lánh phản chiếu trên những tấm gương tạo thành những những lớp sóng của dòng sông, một hình ảnh phân mảnh trừu tượng tương tác với người xem.

Tác phẩm “Xẩm tàu điện” của Phạm Khắc Quang được làm từ thép, đèn led, túi ni lông ép kính. Với tác phẩm này, tác giả sử dụng các mẩu thép vụn và thép tấm được cắt CNC sau đó xếp lại thành những điểm ảnh tạo nên hình ảnh hai toa tàu điện- một hình ảnh quen thuộc trong ký ức của Hà nội xưa, trên đó xen lẫn phảng phất hình bóng của những nghệ nhân hát xẩm cùng với hình bóng của phố phường Hà nội xưa.

Tác phẩm “Voi”, “Sống xanh” của George Burchett, hoạ sĩ người Úc từng sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. George Burchett sử dụng hình ảnh con voi dài 7m cao 1,7m bằng thép không gỉ phun sơn, con voi của Bà Trưng Bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên. Ông làm thành mô hình con voi giống như cách gập giấy thủ công của trẻ con. Tác phẩm sẽ được tương tác đặc biệt với các em nhỏ.

Tác phẩm “Bức tường danh vọng” của Trần Hậu Yên Thế được làm từ cổng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” bị biến mất đi trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích hoạ vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về một Hà nội yêu kiều và lãng mạn thuở xa xưa.

Tác phẩm “Phù sa”của tác giả Nguyễn Đức Phương. Tác giả lấy bụi của đô thị kết hợp với phù sa của sông Hồng và các mảnh sảnh được thu lượm từ dưới đáy sông để tái hiện lại nền móng của ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất.

Họa sĩ trẻ Trịnh Minh Tiến đã sử dụng các vành bánh xe máy ô tô cũ kết hợp với những hình ảnh về ký ức cây cầu Long Biên lịch sử được in UV lên những tấm nhựa tạo nên 1 tác phẩm sắp đặt tương tác với người xem mang tên “Vòng quay”. Tác phẩm giúp tác giả kết nối với người xem, cùng chia sẻ những ký ức, kỷ niệm và tình yêu đối với cây cầu. Những bánh xe giống như vòng quay của lịch sử, cho sự kết nối không gian và thời gian.

Tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” của tác giả Nguyễn Thế Sơn. Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển các dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng và dự án nghệ thuật trong hầm nhà Quốc hội. Những “Gánh hàng rọng” của anh phẩm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ chợ xưa. Bên cạnh đó là hai bức phù điêu với tổng chiều dài là 6m bằng xi măng trộn với composite, là phiên bản thu nhỏ phục dựng lại của bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp hiện đang nằm trên đoạn tường bị che khuất của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt này giống như một đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống cũng như những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

Minh Hạnh/MASK

ảnh: Anh Quang

clip: Sơn Nguyễn