Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, qua nghiên cứu sơ bộ các ý kiến của đại biểu cho thấy, các ý kiến đều thống nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) có cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng và có tính thuyết phục; thống nhất là xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, ở đây là cho Thủ đô cả nước chứ không phải riêng cho thành phố Hà Nội.
“Nếu như chúng ta xây dựng được các cơ chế để cho Thủ đô phát triển thì Thủ đô sẽ tiếp tục làm đầu tàu trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa… cho cả nước. Đấy là những điểm hết sức cơ bản mà chúng ta thống nhất”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình một số nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Theo Bộ trưởng, các đại biểu cơ bản nhất trí với các chính sách đặc thù đã thiết kế ở trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi về đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục của một số điều khoản, thậm chí là chương, thiết kế một số vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Trong đó có vấn đề về thử nghiệm có kiểm soát TOD, nhà ở, quy hoạch, quản lý đô thị, trọng dụng nhân tài, BOT, BT, văn hóa, thêm các “khóa” để kiểm soát quyền lực khi chúng ta phân cấp, phân quyền.
Về tổ chức bộ máy và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân phường. Vì, Hà Nội đã có sơ kết, đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97 và thống nhất nhận thức tiếp tục thực hiện cơ chế này, khi luật hóa nó thì phát huy hiệu quả, hiệu lực và đảm bảo vận hành tốt.
Đồng thời, thiết kế trên cơ sở thực tế khi tăng cường phân cấp, phân quyền thì Hội đồng nhân dân của cấp quận được giao thêm khá nhiều nhiệm vụ, những việc giao thêm như vậy cần thiết phải có một cấp Hội đồng nhân dân.
Về vấn đề số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và cấp phó của Hội đồng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, số liệu cũng có thể chưa đầy đủ, theo đó tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở Hà Nội là 1,4%. Với 95 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hiện nay chia bình quân ra thì 105.000 người dân mới có 1 đại biểu, thấp hơn bình quân của cả nước là 26.500 người dân/1 đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, tại Hà Nội,105.000 người dân mới có 1 đại biểu Hội đồng nhân dân, thấp hơn bình quân của cả nước là 26.500 người dân/1 đại biểu. Ảnh: Hoàng Phúc |
Như vậy, có thể thấp hơn đến 3/4 và số lượng người làm việc tại Hà Nội qua lại tầm khoảng 10 triệu. Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn giao bổ sung cho Hội đồng thì có 38 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn nếu như Quốc hội thông qua Luật Thủ đô này. Như vậy, số lượng nhiệm vụ thực tế cũng rất lớn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải là muốn có sự tương đồng trong tổ chức hệ thống chính trị. Hiện nay Thành ủy Hà Nội có 4 Phó Bí thư, như vậy nhiều hơn 1 Phó Bí thư, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hơn so với bình quân chung của cả nước. Hà Nội có 6 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, như vậy là nhiều hơn bình quân chung của cả nước. Bây giờ thiết kế để cho đồng bộ hóa trong hệ thống chính trị Hội đồng nhân dân với các việc được giao thêm.
Không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tổ chức có liên quan
Trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ (như điện, nước) tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy; quy định cụ thể về các trường hợp trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đó và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể hành vi vi phạm trên cơ sở Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và thủ tục áp dụng.
Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. |
Về đề xuất này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đúng là vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và vượt luật, tương đối đặc thù. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thứ nhất, đây là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý. Hai là, khu trú các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm và cũng khu trú tương đối kỹ lĩnh vực đấy là đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2008 – 2018 chúng ta thực hiện Nghị định 180 có áp dụng một số biện pháp ngăn chặn. Theo như tổng kết của Hà Nội, những biện pháp chúng ta quy định ở trong nghị định này phát huy tác dụng, hiệu quả.
Theo đề nghị của thành phố Hà Nội, trường hợp Quốc hội tiếp tục cho phép, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng chặt chẽ, để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân, tổ chức có liên quan.
Liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, những quy định dự kiến ở trong Điều 4 cho đến bây giờ so sánh thấy tương đối khả thi.
“Chúng tôi có so sánh với một số điểm khác đi trong áp dụng pháp luật, trong Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết 98 cho thành phố Hồ Chí Minh, thấy rằng nếu thiết kế như thế này thì Hà Nội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, nhìn chung là các cơ quan trong hệ thống chính trị thêm nhiệm vụ, phải theo dõi rất sát trong quá trình áp dụng, triển khai Luật Thủ đô như thế nào và các luật sắp tới xảy ra như thế nào.
Làm việc này hơi nhọc nhằn hơn một chút nhưng nếu làm được, làm tốt thì xem như là một quá trình theo dõi thi hành Luật Thủ đô và sẽ không có những vướng mắc, bớt đi các vướng mắc ở trên thực tế”, Bộ trưởng nói.