Tại Việt Nam, dù còn có những định kiến trong cộng đồng nhưng ngành game Việt những năm qua vẫn có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, trong đó board game đã và đang để lại nhiều dấu ấn.
Board game không phải là trò chơi xa lạ
Những năm gần đây, board game là “từ khóa” khá “hot” với những ai quan tâm đến các ngành công nghiệp giải trí trên thế giới. Dẫu các trò chơi điện tử và game online phát triển mạnh mẽ thì board game vẫn lặng lẽ chiếm lĩnh một vị trí riêng cho mình. Tại một số quốc gia, không ít board game được đưa vào trường học với tư cách một môn ngoại khóa.
Ở Việt Nam, khái niệm board game vẫn còn khá xa lạ dù rằng đa số trong chúng ta đều đã từng chơi. Đến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong những ngày cuối tuần, không khó để bắt gặp nhiều gia đình cùng tham gia chơi rút gỗ, ô ăn quan hay cá ngựa. Đó chính là những board game mà ở Việt Nam lâu nay vẫn được xếp vào thể loại trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống.
Board game được hiểu là những trò chơi trên bàn mà ở đó người chơi tương tác với nhau thông qua bàn cờ, quân xúc xắc, rubik hay các lá bài (card game) với những luật chơi riêng của từng trò chơi. Dù luật chơi đơn giản hay phức tạp thì các board game không hẳn là trò giải trí mang tính may rủi, mà còn giúp phát triển trí tuệ, đòi hỏi mỗi người chơi ít nhiều phải phân tích tình huống, phán đoán, tính toán để có những nước đi mang tính chiến thuật nhằm giành chiến thắng.
Một trong những lý do khiến board game trở nên “hot” trong những năm gần đây là các trò chơi ngày một đa dạng hơn, lôi cuốn hơn, vui nhộn hơn, đặc biệt là kích thích tâm lý muốn chiến thắng của giới trẻ bởi board game có luật chơi rất dễ học nhưng không dễ để chinh phục và chiến thắng.
Ngoài những board game đòi hỏi nhiều về tư duy chiến thuật cao như cờ vua, cờ tướng, cờ vây, cờ úp, cờ lật, domino… thì các trò chơi như “Xếp toán cộng trừ”, “Cờ ô chữ”, “Cờ giao thông”, “Em là nhà bác học”, “Trò chơi Otrio”… mang tính giáo dục cao, giúp rèn luyện khả năng tư duy, tăng thêm kiến thức.
Chị Lê Thị Quỳnh Mai (ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: “Chính nhờ chơi “Xếp toán cộng trừ” với các anh chị trong những ngày nghỉ ở nhà vì dịch Covid-19 mà con tôi mới hơn 4 tuổi đã cộng trừ thành thạo trong phạm vi 30. Mong muốn không bị thua trong trò chơi khiến khả năng tính nhẩm của cháu được kích thích, cháu tính nhanh và chính xác dần lên”. Các board game như “Chọi chữ”, “Tu từ”, “Tiếng Việt Hack Não”, “Nhanh mắt bắt từ”, “Word Capture”, “Cờ ô chữ” giúp người chơi khai phá vùng đất ngôn ngữ, rèn khả năng quan sát, nhanh mắt nhanh tay. Các board game như “Cờ tỷ phú”, “Đường đua tài chính”, “Thương vụ rau củ”… giúp người chơi tiếp nhận những khái niệm tài chính cơ bản, hiểu hơn về cách vận hành của thị trường, biết đường đi của dòng tiền thông qua thu nhập – chi tiêu – đầu tư – trao tặng.
Đây là những kiến thức mà không phải bố mẹ nào cũng có thể truyền tải cho con, trong khi thông qua trò chơi con lại được tự trải nghiệm.
Song, board game không chỉ là những trò chơi dành cho trẻ em. Bất cứ ai cũng có thể chơi cờ cá ngựa, cờ tỷ phú, bài Uno, rút gỗ… – những trò chơi chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, mang lại tiếng cười vui khi chơi tập thể. Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều board game ra đời hướng tới giới trẻ trưởng thành. Những thành viên chơi board game kỳ cựu của một số cộng đồng trên mạng xã hội đều cho rằng, board game giúp người chơi ở nhiều độ tuổi rèn luyện trí óc, tăng khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ và phân tích, xử lý tình huống, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, ngoài ra còn tạo sự gắn bó, kết nối với tập thể.
Những năm gần đây, các board game được các bạn trẻ yêu thích thường là những trò chơi vui nhộn và nhiều may rủi bất ngờ như “Ma Sói”, “Mèo Nổ”, “Splendor”, “Đua Lạc Đà”… Có nhiều board game Việt ra đời theo tiêu chí này và trở nên nổi tiếng, như “Lầy”, “Lội”, “Lên”, “Ma đói”, “Tìm lấy”, “Bài con thỏ”, “Xấp sắc”… hay các board game được Việt hóa như “Vua cà phê”, “Thần sầu”.
Anh Ngô Anh Tuấn, người sáng lập thương hiệu Board Game VN chia sẻ: “Ở Việt Nam, ai cũng từng làm game trong đời và có thể hiện giờ vẫn đang làm game hằng ngày mà không hay biết. Từ bé, chúng ta tự nghĩ ra những trò chơi như ném lon, bắn bi, tự vẽ lên giấy những trò chơi dạng đổ xúc xắc và đi thu thập kho báu… Các thầy cô giáo hằng ngày vẫn đang nghĩ ra nhiều cách để môn học trở nên vui nhộn hơn thông qua các trò chơi. Trong gia đình, bố mẹ thi thoảng lại nghĩ ra những trò chơi hoặc nghĩ thêm luật cho các trò chơi cũ. Hay chính những em bé trong nhà cũng tự nghĩ ra những trò chơi của riêng bé và rủ bố mẹ chơi cùng. Điều mà Board Game VN muốn mang lại là kết nối mọi người với nhau bằng những trò chơi mang tính trí tuệ, giáo dục trong thời buổi mà con người lúc nào cũng chăm chú vào máy vi tính”.
Board game kể chuyện văn hóa, lịch sử
Trong khoảng chục năm trở lại đây, thị trường board game Việt khá sôi động với nhiều thương hiệu mới xuất hiện, cho thấy sự quan tâm lớn ở cả phía người chơi cũng như đội ngũ sáng tạo. Điểm đặc biệt, board game không còn là trò chơi đơn thuần mà thông qua board game, những câu chuyện văn hóa, lịch sử nước nhà đã được kể lại. Board game trở thành một kênh giao lưu văn hóa, góp phần đưa văn hóa, lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ và quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam đến bạn bè năm châu.
Bộ cờ lịch sử “Việt Nam con đường lịch sử” của Quý Đạt và Nguyệt Minh được coi là “cờ tỷ phú kiểu mới” để người chơi “học làm giàu, thuộc làu sử Việt”. Ra đời từ năm 2019, bộ cờ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng khi đưa ra bộ 250 câu hỏi của từng thời kỳ với nội dung phong phú để người chơi, đặc biệt là lứa tuổi học sinh thông qua trò chơi mà dễ dàng ghi nhớ các chặng đường lịch sử của đất nước. Đồng thời, những người sáng tạo bộ cờ cũng hy vọng khi người lớn cùng chơi cờ lịch sử với trẻ em sẽ giúp cả gia đình có thêm nhiều thời gian gắn kết, giảm tiếp xúc và lệ thuộc những thiết bị công nghệ hiện đại.
Nói đến việc đưa văn hóa, lịch sử vào truyện tranh, game thì không thể không nhắc đến Comicola (viết tắt của Comic Online Alliance – Liên minh truyện tranh online), đơn vị có nhiều dự án gây quỹ cộng đồng hết sức hiệu quả. Comicola cũng cho ra mắt nhiều game thẻ bài đậm màu sắc văn hóa rất được cộng đồng người trẻ đánh giá cao về chất lượng, như “Thiên Địa Nhân Tarot”, “Tarot Kiều”, “Măm Tarot”, bộ bài “Tứ Triều”, và đặc biệt là board game “Thần Tích” mà ở đó người chơi được trải nghiệm cảm giác nhập vai các vị thần và nhân vật cổ tích Việt Nam để cùng so tài nhằm giành lại Thần Tích. Nhiều dự án bài tarot do Comicola phát hành đã đạt thành tích nhất định trong một số sân chơi giao lưu quốc tế.
Có thể nhận thấy sự tiếp nhận vô cùng hào hứng của giới trẻ Việt với những board game do người Việt sáng tạo và mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Với nhiều bạn trẻ, trong các cuộc họp mặt gia đình hay tụ tập bạn bè, board game đã trở nên không thể thiếu để cùng giao lưu thay vì mỗi người “tự kỷ trước màn hình điện thoại”.
Từ người chơi board game đơn thuần, những người sáng lập Ngũ Hành Games đã quyết tâm bước chân vào cánh cửa thế giới board game khi nhận thấy quá thiếu vắng các sản phẩm board game mang dấu ấn Á Đông truyền thống. Với slogan “Đưa văn hóa Việt vào board game”, Ngũ Hành Games để lại nhiều ấn tượng với các sản phẩm board game như “Lên Mâm” – lấy cảm hứng từ những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết; “Hội Phố” đưa người chơi nhập vai các thương nhân tại phố cổ Hội An để buôn bán, giao thương; “Ăn Ý” với chủ đề văn hóa Việt Nam đương đại.
Thị trường game Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, hứa hẹn trở thành ngành công nghiệp giải trí phát triển trong tương lai. Board game, theo đó, cũng được nhận biết ngày một rộng hơn, tiếp cận người chơi nhiều lứa tuổi. Khi càng có nhiều người chơi và càng nhiều người tham gia ý tưởng sáng tạo, board game Việt Nam càng có cơ hội hợp tác, cạnh tranh để phát triển.
Vân Hạ
Board game – ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai Thị trường giàu tiềm năng (hanoimoi.vn)