Trọng dụng nhân tài để xây dựng Thủ đô
Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để đưa Luật vào cuộc sống.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 được coi là một đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị và TS Chu Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. |
Xác định rõ vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần tích cực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì tuyển lựa và thu hút nhân tài là yếu tố quyết định, là động lực để Thủ đô phát triển.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.
Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta. Điều 16 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Những vấn đề được đề cập tại hội thảo như: Tuyển chọn nhân tài ở Thăng Long – Hà Nội – Lịch sử và bài học; Vai trò của phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội; Thực trạng chính sách, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công Việt Nam hiện nay; Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)… có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là “chất liệu” quan trọng để các nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, phát triển sâu vấn đề về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. |
“Hội thảo khoa học Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phân tích và làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Hồng Nhung, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc tuyển chọn nhân tài ở Thăng Long – Hà Nội đã có từ sớm. Trong lịch sử, công tác tuyển chọn người tài luôn được chú trọng qua các triều đại. Các vị Vua thường chiêu mộ nhân tài bằng các “Chiếu cầu hiền”. Chẳng hạn, thời Vua Quang Trung, để tìm kiếm người tài, vị vua này đã ban “Chiếu cầu hiền” để chiêu mộ các bậc sĩ phu Bắc Hà.
“Chúng ta phải xác định rõ nhân tài là ai và có những tiêu chí gì? Theo tôi, nhân tài là những người có tài năng, đạo đức hơn người. Để có người tài thì cần thiết phải bồi dưỡng nhân tài. Xưa có trường Quốc Tử Giám để bồi dưỡng nhân tài, tạo hiền tài cho đất nước. Khi xác định được người tài thì cần phải thu hút để người tài cống hiến. Xưa có nhiều phương thức để thu hút người tài, chẳng hạn như nhiệm tử, khoa cử, tiến cử… Vai trò của nhân tài sẽ tạo nên những nét đặc sắc cho Thủ đô” – TS. Trần Hồng Nhung chia sẻ.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Theo nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Mai Thuyên và ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy (Trường Đại học Luật Hà Nội) thì Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đưa ra được những chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thế giới, nhiều nước đã dành các chính sách ưu đãi như trả lương cao, ưu đãi vay vốn… để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp sức lực. Đặc biệt, Hà Nội cũng cần nâng cao công tác giáo dục để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực.
Theo TS. Trần Thị Quyên (Trường Đại học Luật Hà Nội), bất kỳ quốc gia và thời kỳ nào cũng quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội đang tiến tới xây dựng Thành phố thông minh thì việc phát triển nhân lực chất lượng cao cần được đặt ở vị trí trung tâm.
Các đại biểu góp ý, thảo luận, đề xuất giải pháp về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
TS. Trần Thị Quyên cũng nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước ta đã xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển, thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức… hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Nội dung trọng tâm của các quy định pháp luật nói trên có liên quan đến chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ vật chất cho các nhân tài trong cơ quan hành chính Nhà nước qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau.
Trong kết luận số 86-KL/TW ngày 24/1/2014 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác”. Đối tượng áp dụng pháp luật thu hút nhân tài trong cơ quan hành chính nhà nước được quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP áp dụng cho việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ nhóm các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để làm việc tại nhiều cơ quan Nhà nước. Trong đó, các cơ quan hành chính Nhà nước là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác có thể tuyển dụng các đối tượng trên vào các cơ quan của mình theo quy định riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có thêm sự gắn kết giữa công tác đào tạo với thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. |
TS. Trần Thị Quyên cũng kiến nghị, để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan. Một trong số các giải pháp được đưa ra là cần phải có chính sách, pháp luật thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công là nhóm chính sách đặc biệt quan trọng.
“Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng còn thiếu khung pháp lý để phát triển, giữ chân nhân tài. Đây là vấn đề khó khăn, cần đến các giải pháp tổng thể về cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển giáo dục theo hướng nuôi dưỡng nhân tài mang tính xuyên suốt các bậc học, cấp học; phát triển khoa học – công nghệ hiện đại; và các giải pháp cụ thể khác về hoàn thiện thể chế. Khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp sẽ giúp khắc phục các hạn chế của hệ thống chính sách, pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công; tạo ra nguồn lực chất lượng cao cho đất nước…” – TS. Trần Thị Quyên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng cần có sự đổi mới về chính sách, đặc biệt phải bố trí công việc hợp lý. Thêm nữa, chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực một cách bài bản sẽ giúp tiệm cận hơn với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. “Chúng ta chưa có nhiều quy định cụ thể để giữ chân nhân tài. Bởi vậy, việc truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước là hết sức quan trọng” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nêu ý kiến.