Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, hiện Thành phố có 5.922 di tích lịch sử – văn hoá. Tính đến tháng 8/2021, tổng số di tích được xếp hạng là 2.581 di tích, trong đó có 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia và 1.1441 di tích cấp thành phố. Trong giai đoạn 2016-2018, được sự quan tâm của Thành phố, số di tích được tu bổ, tôn tạo là 319 di tích, trong đó vốn nhà nước (Thành phố và quận, huyện là gần 1.363 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hoá là gần 462 tỷ đồng).
Khuê Văn Các – Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. |
Cùng với di tích lịch sử – văn hoá, Hà Nội còn có một “nguồn tài nguyên” khổng lồ với 1.793 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê với nhiều loại hình phong phú, đa dạng của người Việt. Đó là văn hoá dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, văn hoá ẩm thực, làng nghề, phố nghề, tri thức và tập quán, tôn vinh việc học hành, truyền thống khéo tay hay nghề, nếp sống thanh lịch… của người Việt. Ngoài ra còn có sự hội tụ di sản văn hoá phi vật thể của một số dân tộc anh em, như nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Ba Vì, lễ cấp sắc, lễ cầu mưa, cầu mùa, nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao…
Di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội không những có đầy đủ các hình thức biểu đạt đó, mà còn được thể hiện tính phong phú, đa dạng, sinh động, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, tính giáo dục cao trong đời sống xã hội. Minh chứng là Hà Nội có 02 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh là Lễ hội Thánh Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Hát Ca Trù là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, UNESCO đã ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới, và sau đó UNESCO ghi danh 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia Trần Lưu Tiêu khẳng định, di sản văn hoá là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất. Cả hai đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững. Lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn đang hiện diện trên vùng đất “ngàn năm văn hiến” này, bởi hàng ngàn di tích lịch sử văn hoá và một kho tàng đồ sộ về di sản văn hoá phi vật thể với những giá trị vật chất, tinh thần, văn hoá nghệ thuật, khoa học to lớn, thể hiện đậm nét, cốt cách, bản sắc, sự hội tụ và lan toả của văn hoá Thăng Long, Hà Nội.
Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Hà Nội có một cấu trúc đô thị (môi trường thiên nhiên, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể) đã có quá trình hình thành qua nhiều giai đoạn phát triển của thành phố (giai đoạn tiền Đại La – Đại La – Lý – Trần – Lê – Nguyễn – Thời thuộc địa và thời kỳ hiện đại). Nó hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ và các giá trị đặc sắc khác.
Điểm đến, điểm hẹn quan trọng bậc nhất
Có thể thấy, trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào kết hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản- sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long – Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý mà biết bao thế hệ đã vất vả xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu. Để hôm nay, Hà Nội – Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồi núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng.
Những mái ngói thâm nâu trong khu phố cổ Hà Nội. |
Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi thăm quan và tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long – Kẻ Chợ. Khu Phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tọa lạc ở vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Chỉ nằm trên một diện tích nhỏ hẹp, nhưng khu phố cổ Hà Nội là một phức hợp di sản, gồm có 121 di tích các loại, trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Chưa kể, hàng nghìn ngôi nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc giá trị, mang những giá trị khác biệt mà không nơi nào có được.
Ngoài khu phố cổ, các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng của Hà Nội từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa – đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội…
Không thể phủ nhận Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến, điểm hẹn quan trọng bậc nhất Việt Nam. Không chỉ du khách quốc tế mà người dân trong nước cũng ao ước có dịp đến Hà Nội để vào thăm thành Thăng Long. Bởi nơi đây là khu di tích khảo cổ học độc đáo, phát lộ hàng ngàn di vật hấp dẫn có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, giúp du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống và bề dầy lịch sử hơn 1000 năm của Thăng Long – Hà Nội. Trên thế giới hiếm có một khu di tích khảo cổ học rộng lớn và có nhiều tầng lớp văn hóa đan xen, chồng xếp lên nhau như Hoàng thành Thăng Long.
Anh Hàn Song Vũ, một khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mỗi lần có dịp được ra Hà Nội, tôi rất thích đi thăm khu phố cổ Hà Nội. Nơi đây hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, mang hồn cốt của Thủ đô. Nếu có nhiều thời gian, tôi muốn đi thăm Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên hoặc di tích Nhà tù Hoả Lò. Dạo quanh một vòng Hà Nội, tôi được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây,…”
Trải qua bao thăng trầm, Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng những di sản kể trên đến nay vẫn giữ được cốt cách, giá trị của mình. Không chỉ nối quá khứ với hiện tại mà còn giúp thế hệ trẻ hun đúc tình yêu dân tộc, xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm.