Cân bằng lợi ích người dân và cơ sở y tế

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là sửa luật như thế nào khi “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ khám, chữa bệnh để không làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân và vẫn đảm bảo cho các cơ sở y tế hoạt động ổn định.

Giá khám chữa bệnh tại cơ sở của Nhà nước do Bộ Y tế ban hành

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội dẫn quy định của dự thảo Luật Giá nêu: “Nghiêm cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá”.

Cân bằng lợi ích người dân và cơ sở y tế
Vấn đề giá khám, chữa bệnh ảnh hưởng đến việc được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Ảnh:VGP/Thiện Tâm

Theo đại biểu, trên thực tiễn, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm giá một số loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit xét nghiệm, khẩu trang tăng rất nhanh. Vì vậy, cần làm rõ khái niệm “không phù hợp”, bởi một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá bán hàng hóa cao hơn giá nhập khẩu vài chục phần trăm. Chính vì vậy, tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế công lập khi phải mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phòng, chống dịch. Thậm chí, có những bên bán cũng không muốn tham gia vào giao dịch với các cơ sở y tế Nhà nước vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

“Tôi đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như là một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào khoản 3 Điều 20 của dự thảo”, đại biểu nói.

Mục 20 phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá kèm theo dự thảo Luật Giá quy định: “Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc do Bộ Y tế quyết định giá cụ thể. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công tư Bộ Y tế quyết định giá tối đa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quyết định giá cụ thể”.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo Luật Giá về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cũng tại dự thảo Luật này lại quy định “trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Giá và luật khác thì được thực hiện theo Luật Giá, trừ một số trường hợp như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này lại quy định “giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công tư được định giá theo quy định của pháp luật về giá”.

“Như vậy, giữa quy định của dự thảo Luật Giá và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa thống nhất về nội dung này, Luật Giá quy định thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh lại dẫn chiếu thực hiện theo Luật Giá. Tôi hiểu rằng, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đều đã được nêu tại 2 luật này nhưng cuối cùng lại không có cơ sở để thực hiện”, đại biểu nói.

Cân bằng lợi ích người dân và cơ sở y tế
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội. (Ảnh; Quốc hội)

Trước đó, khi góp ý vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị quy định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc, giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công – tư do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế Nhà nước sẽ được áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng giữa các đơn vị, giữa các đối tượng có cùng thẻ bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi triển khai thực hiện, đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực khi xây dựng giá khám bệnh, chữa bệnh của đơn vị. Còn quy định giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng tạo được sự chủ động, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của mỗi đơn vị nhưng vẫn có sự kiểm soát của Bộ Y tế.

Áp dụng cách tính đặc thù với dịch vụ y tế

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) đề nghị đối với dịch vụ y tế thì phải áp dụng cách tính đặc thù, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường được.

Bởi vì, dịch vụ y tế là không lợi nhuận, Nhà nước đảm bảo y tế, giáo dục cho nhân dân. Đồng thời, y tế thì không thể điều hòa, kiểm soát cung cầu như hàng hóa thông thường, và đây cũng là dịch vụ mà không thể từ chối bán hàng trong mọi trường hợp và không thể điều chỉnh theo giá thị trường theo như hàng hóa thông thường.

Khi góp ý vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã nhấn mạnh, việc “tính đúng, tính đủ” chi phí khám chữa bệnh phải không làm tăng chi phí cho người dân.Thực tế cho thấy, giá khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, quy định giá khám, chữa bệnh của bệnh viện công và bệnh viện tư nhân sao cho hài hòa, bảo đảm quyền lợi của người bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở y tế.

“Về yếu tố hình thành giá, đối với dịch vụ y tế thì cũng rất khó, bởi vì các yếu tố hình thành giá thương hiệu của bệnh viện hạng 3 có khi lại còn hơn thương hiệu của bệnh viện hạng 1. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên sâu nào đó thì thương hiệu của bác sĩ có thể hơn thương hiệu của tiến sĩ”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, phải rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao. Đối với dịch vụ y tế cơ bản thì có thể Nhà nước phải đặt hàng các cơ sở y tế, các bệnh viện. Đối với dịch vụ y tế nâng cao, có thể tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình ở đây. Người dân có thể chọn dịch vụ này.

Cùng góp ý vào dự thảo Luật Giá, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trong việc tham gia kiểm tra, giám sát vừa rồi tại các bệnh viện thành phố, các giám đốc bệnh viện chia sẻ trong 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ y tế, mới tính được 4 yếu tố về thuốc, vật tư, điện, nước, tiền lương phụ cấp, còn 3 yếu tố chưa được cấu thành trong giá cả, đó là công tác sửa chữa tài sản cố định, công tác khấu hao tài sản, chi phí đào tạo…

Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ sớm trình với Quốc hội có một giải pháp thỏa đáng để góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. “Trong khi dịch bệnh còn phức tạp và xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khác nhưng tại các cơ sở y tế hiện nay máy móc, thiết bị bị hư mà không đầu tư lúc này thì việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân rất nguy hiểm nếu như có một dịch bệnh khác. Năm nay tổng thu ngân sách tăng trên 200.000 tỷ đồng, như vậy năng lực, khả năng tài chính là có, vấn đề là cơ chế, chính sách”, đại biểu nói./.

Phương Thảo