Theo đó, Điều 33 quy định: Việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. (Ảnh minh họa) |
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn và ngoài các quy định của Trung ương ban hành đối với các nội dung: Giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; Công nghệ bảo quản, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp;
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm; Hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất và sơ chế nông sản; Phát triển các chuỗi liên kết giá trị, thị trường tiêu thụ sản phẩm; Phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, làng có nghề; Kinh phí giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định các hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm theo nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều và pháp luật khác có liên quan; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.
Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.
Góp ý một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp Thủ đô, bà Nguyễn Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, mục tiêu ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình,…) cho Thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận.
Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển nông nghiệp cho các tỉnh khác.
Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng. (Ảnh minh họa) |
Cần phải cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp. Đây là nội dung cần đột phá mạnh, cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh như, giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh; tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012…
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, cần cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, trong điều kiện thành phố Hà Nội hiện nay, mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản. Tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất.
Đồng thời, cần cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp, cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định nhiều vấn đề có tính chất đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn, du lịch nông nghiệp… có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi về sử dụng đất đai.
Dự thảo Luật đã bổ sung toàn diện các quy định đến nông nghiệp trong Điều 33 và một số Điều liên quan như quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật quy định một số chính sách đặc thù cao hơn các quy định của Trung ương nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô: Quy định nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, cần đầu tư nhiều chất xám và tri thức như lĩnh vực công nghệ cao, giống cây trồng vật nuôi và chế biến nông sản, phát triển kinh tế tập thể, sản phẩm làng nghề và nông nghiệp sinh thái…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới cần thiết phải được ban hành sớm, tạo sự đột phá và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong bối cảnh mới, thách thức mới. Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Bảo Thoa
Cần chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô (laodongthudo.vn)