Thủ đô Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Thành phố hiện có đa dạng các loại hình trường học ở cấp Trung học phổ thông (THPT) gồm: Trường công lập (chuyên, không chuyên, hiệp quản, tự chủ), trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và trường nghề. Năm học 2022 – 2023, toàn Thành phố có 2.840 trường Mầm non, phổ thông, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục.
Năm học 2023 – 2024, học sinh trên địa bàn phường Kim Liên sẽ được học trong 2 ngôi trường mới khang trang được xây dựng trên nền trường tiểu học Kim Liên cũ. |
Trong đó, sơ bộ trường công lập có 2.245 trường với 48.550 lớp cho 1.855.307 học sinh, bình quân 38,2 học sinh/ lớp trường; tư thục có 537 trường với 15.580 lớp cho 300.860 học sinh, bình quân 19,3 học sinh/ lớp trường; 9 trường hiệp quản và công lập tự chủ với 10.068 học sinh; 1 trường phổ thông dân lập nội trú với 12 lớp trung học cơ sở (THCS) và 12 lớp cấp 3. Như vậy, nếu tính theo số học sinh và quy mô trường lớp hiện nay, về cơ bản Hà Nội không thiếu trường học, vấn đề nảy sinh chỉ xuất hiện cục bộ tại một số địa bàn đông dân cư nhưng lại diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp.
Ghi nhận thực tế tại một số địa bàn cho thấy, việc phân bổ hệ thống trường THPT công lập có sự chênh lệch, dẫn đến áp lực vào trường công lập ở một số địa bàn cao hơn. Chẳng hạn, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024, khu vực tuyển sinh 1 (gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ) có 4 trường công lập với 2.620 chỉ tiêu nhưng có gần 5.400 thí sinh dự thi; khu vực tuyển sinh 2 (gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) có 5 trường công lập với 3.600 chỉ tiêu, trong khi số thí sinh dự thi là hơn 5.500 em; khu vực tuyển sinh 3 (gồm các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân) có 9 trường công lập với 6.355 chỉ tiêu, trong khi số thí sinh dự tuyển là 13.615 em…
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với cấp Tiểu học và trung học tại các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm… Báo cáo của quận Hoàng Mai cho thấy, học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh/nhóm, lớp. Đối với cấp Mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp Tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; khối THCS là 45,5 học sinh/lớp; còn cấp THPT là 46 học sinh/ lớp. Hoàng Mai hiện có 3.710 cán bộ, giáo viên, cơ bản đáp ứng về số lượng giáo viên trên địa bàn.
Còn lại, các khu vực ngoại thành về cơ bản không xảy ra tình trạng thiếu trường học do có quỹ đất rộng, có điều kiện xây nhiều trường lớp trong khi dân số thưa. Đặc biệt, ở vị trí xa trung tâm, như một tại một số huyện Ba Vì, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây thường xuyên có trường phải áp dụng chính sách tràn tuyến do không tuyển đủ chỉ tiêu. Nói như vậy để thấy, về cơ bản Hà Nội không thiếu trường học nhưng do sự tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát, cùng sự phân bổ chưa thực sự hợp lý đã dẫn đến tình trạng “căng thẳng” trong việc xin học tại một số địa bàn.
Đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn
Trước thực tế nhiều phụ huynh đặt ưu tiên học trường công lập cho con em mình, thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp để đáp ứng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới các trường THPT gồm: Minh Hà (huyện Thạch Thất); Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); 1 trường tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Việt Hưng (quận Long Biên); Uy Nỗ, Nguyên Khê và Việt Hùng (huyện Đông Anh). Trong giai đoạn 2022 – 2025, thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Về phía địa phương, nhiều quận huyện cũng đã chủ động cải tạo, xây dựng mới các trường trên địa bàn như trường Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng; trường Kim Liên, quận Đống Đa; trường Nguyễn Văn Ngọc, quận Ba Đình… Dẫu vậy, con số trường được xây mới, cải tạo vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực tế.
Dân số không ngừng gia tăng, tốc độ xây dựng các khu đô thị ngày một nhiều dẫn đến thiếu trường công, đặc biệt ở nội thành. Vì thế, “đến hẹn lại lên” áp lực vào trường công, nhất là bậc THPT là rất lớn đối với nhiều phụ huynh, học sinh. Cần chơ đặc thù để “thần tốc” xây dựng hệ thống trường công theo các phụ huynh là một trong những việc “cần làm ngay” (Ảnh minh họa: Phạm Thảo) |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng đã được các chuyên gia chỉ rõ, đó là tình trạng quá tải hạ tầng, thiếu quỹ đất mở rộng trường công lập và sử dụng đất quy hoạch trường học sai mục đích. Đơn cử như tại khu đô thị Ao Sào, quận Hoàng Mai, đây là khu đô thị đã xây dựng gần 20 năm, nhưng hơn 13 nghìn m2 ở khu đô thị này để xây trường Mầm non và một trường Tiểu học thì chủ đầu tư dừng lại. Mới đây, chủ đầu tư đã chấp nhận bàn giao các lô đất nêu trên nhưng vấn đề lại nảy sinh khi quận Hoàng Mai muốn sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng trường học tại đây.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, khu đất vàng “treo” 30 năm thuộc hai phường Hàng Bài và Phan Chu Trinh đã được quy hoạch xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu từ năm 2014. Đến nay sau gần 10 năm, mặc dù cơ sở pháp lý đầy đủ và quận Hoàn Kiếm cũng nhiều lần ra quyết định thu hồi đất nhưng dự án vẫn bất động. Từ đó đến nay, con em trên địa bàn phường Phan Chu Trinh và phụ cận qua nhiều thế hệ vẫn phải học ở trường Tiểu học Võ Thị Sáu với chỉ tiêu 3 lớp học cho khoảng 100 học sinh, số còn lại bắt buộc phải học trái tuyến hoặc trường tư thục.
Lý giải về tình trạng này, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội trong những năm vừa qua phát triển theo mô hình khu đô thị mới. Về cơ bản dân số trong khu đô thị mới chỉ ở một ngưỡng nhất định, cân đối, cùng với đó trường học các cấp phải đủ như trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, thực tế, nhiều khu đô thị mới hiện nay dù có dân đến ở nhưng chủ đầu tư vẫn không xây trường học, hoặc chậm xây, vì trường học không mang lại lời lãi cho các chủ đầu tư. “Bên cạnh việc quản lý chặt quy hoạch cũng nên có cơ chế chính sách, ưu tiên cho nhóm đặc thù, hiện đã có đề xuất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây dựng trường học thì sẽ được miễn giảm một số thuế và được giảm tiền đất, hoặc được giao cho các dự án ở khu vực khác…”, ông Nghiêm cho hay.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, cần phải sớm di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp, di dời trụ sở các bộ, ngành. Việc này, lẽ ra đã phải thực hiện cách đây hơn chục năm, nhưng không thực hiện được. Hiện, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có đề xuất khi di dời đi, phải giao đất lại cho Hà Nội, chứ không thể để phục vụ cho mục tiêu khác. Như vậy, Hà Nội sẽ có quỹ đất để xây dựng trường học.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc về mặt quan hệ khăng khít với nhau giữa các lĩnh vực, như sự mâu thuẫn giữa dân số cơ học và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, môi trường…) nhưng chưa có cơ chế đặc thù, nên chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc hiện nay. “Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; tham mưu UBND Thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.
Tuấn Dũng
Cần cơ chế đặc thù để phát triển trường công (laodongthudo.vn)