Là người đã chứng kiến, cũng như công tác xử lý sự cố, khắc phụ hậu quả vụ cháy “chung cư mini” phố Khương Hạ khiến 56 người tử vong, ông Nguyễn Minh Trí (cử tri quận Thanh Xuân), cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ do nhiều quy định của pháp luật còn thiếu, không đồng bộ giữa các lĩnh vực, nhiều nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn không rõ ràng nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.
Theo ông Trí, hiện nay chưa có quy định về cưỡng chế buộc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở dẫn đến hiệu lực, hiệu quả không cao; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện sau công tơ của các hộ gia đình, cơ sở, trong khi đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây cháy…
Cần có các quy định phù hợp với thực tiễn trước thực tại các chung cư cao tầng của nhiều dự án xây dựng kéo dài. |
Cử tri Đàm Văn Lượng (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, chưa có quy định của Bộ Xây dựng về an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi từ nhà ở gia đình…
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cần có các quy định phù hợp với thực tiễn trước thực tại các chung cư cao tầng của nhiều dự án xây dựng kéo dài, không hoàn thiện để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý toàn diện, bất cập trong sử dụng các diện tích sử dụng chung, tầng hầm, nơi giữ xe. Trong sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về dân cư với ban quản lý, ban quản trị các tòa nhà, cần tạo điều kiện cho công tác an toàn trật tự xã hội, an ninh, PCCC và cho đời sống của nhân dân…
Trước đó, tại phiên họp thứ 26, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trình bày tờ trình của Chính phủ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa. Do vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.
“Bên cạnh đó, còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Thành phố tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini. Một trong những nguyên nhân là định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành cách đây 10 năm. Đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan, đơn vị đã đặt ra từ lâu, nhưng triển khai rất chậm chạp. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định rõ về biện pháp và lộ trình di dời.
Phòng cháy, chữa cháy đang là lĩnh vực mà tình hình diễn ra rất nóng và phức tạp |
Trước thực tế trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về các vấn đề giao thông, môi trường… đặc biệt là công tác PCCC. Cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về giao thông, môi trường, đặc biệt là công tác PCCC.
Nhắc lại vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồi giữa tháng 9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật về phân cấp và phân quyền nên cần có sự toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, nội dung nào phân cấp cho Thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở…
Theo luật sư Phạm Hải Long – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, công tác PCCC của cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng thời gian gần đây được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trước những hậu quả gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn Thủ đô cũng như đặc thù của địa bàn thì việc Hà Nội có chế tài, quy chuẩn riêng về công tác này là rất cần thiết.
Vấn đề xây dựng, PCCC, tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn đối với một số hành vi trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước, góp phần làm giảm số vụ vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.