Cần giải quyết tổng thể ô nhiễm các dòng sông và vấn đề thiếu nước sạch nông thôn

Thảo luận tại tổ và hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Thành phố, tại kỳ họp 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố khoá XVI, nhiều đại biểu mong muốn Thành phố tiếp tục đồng hành, có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và đảm bảo nước sách cho người dân vùng nông thôn; xử lý ô nhiễm các dòng sông.

Xử lý ô nhiễm các dòng sông

Thảo luận tại hội trường sáng 6/12, đại biểu huyện Sóc Sơn, Quốc Oai nhận định nền kinh tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy giảm, sụt giảm sức mua trong nước, xuất khẩu giảm mạnh. Kết quả thu ngân sách năm 2023 đạt 113% là kết quả tốt và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

Đại biểu mong muốn đảm bảo nước sạch cho vùng nông thôn
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà thông báo nội dung thảo luận tổ

Các đại biểu cũng cho rằng trong những năm vừa qua cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải thu hẹp sản xuất. Đại biểu mong Thành phố tiếp tục có các giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số phục vụ doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đại biểu cũng cho biết cử tri mong muốn Thành phố cải tạo đảm bảo vệ sinh hạn chế ô nhiễm khu bãi rác Nam Sơn; đảm bảo nước sạch cho người dân vùng nông thôn để người dân vùng nông thôn cũng được hưởng các chính sách về nước sạch của Thành Phố.

Trước đó thảo luận tại tổ, đại biểu huyện Thanh Oai cho biết, trên địa bàn huyện hiện còn 11 xã chưa có mạng lưới nước sạch, đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp với huyện để giải quyết các nhu cầu dân sinh. Cùng đó, đại biểu bày tỏ, hiện nay ô nhiễm môi trường rất lớn nhưng các huyện đang gặp khó khăn trong việc xử lý, nhất là việc quản lý nguồn xả thải. Vì vậy, mong muốn Thành phố có giải pháp về lâu dài xử lý nước thải tại các khu dân cư, làng nghề.

Đại biểu huyện Thường Tín thì cho biết, trên địa bàn huyện vấn đề nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do phụ thuộc nguồn nước sông Nhuệ. Hiện nước sông Nhuệ ô nhiễm nên việc tưới tiêu phục vụ chăm bón rau phục vụ dân sinh rất khó. Đại biểu đề nghị Thành phố đầu tư để các xã trên địa bàn được sử dụng nước sạch nhằm đáp ứng tiêu chí nông thôn mới cũng như tiêu chí khi huyện phát triển lên quận.

Về việc cải tạo, chỉnh trang các dòng sông, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư Huyện ủy Thường Tín) nhấn mạnh, môi trường Thủ đô phải tốt, các dòng sông phải trong lành. Muốn vậy phải xây dựng quy hoạch chỉ rõ các giải pháp từ nay đến 2030-2045. Đại biểu đề nghị xây dựng hệ thống cống ngầm để các dòng chảy ở dưới; còn với còn sông Tô Lịch, Kim Ngưu để nước mặt lưu thông, phải đưa vào mốc thời gian năm 2024 làm sống lại các dòng sông, để nước trong xanh như ở Pháp, Nhật Bản.

Đại biểu mong muốn đảm bảo nước sạch cho vùng nông thôn
Đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 6/12

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, điểm sáng ở Hà Nội là ngành du lịch, dịch vụ tăng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách vượt 2 con số…

Chỉ ra Hà Nội có điều kiện, tiềm năng để phát triển về công nghệ sinh học, y dược, vật liệu mới, đại biểu Lan Hương đề xuất thành phố Hà Nội có cơ chế chính sách đột phá để thu hút các nhà khoa học phát triển công nghệ này; hướng tới mục tiêu Hà Nội đi đầu cả nước và khu vực về phát triển công nghệ AI, công nghệ về dược mỹ phẩm…

Các đại biểu cho rằng nhiệm vụ chỉ tiêu trong thời gian tới nặng nề, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta phải nỗ lực từ đầu năm. Hiện nay, các địa phương gặp khó khăn về thu thuế, thu tiền sử dụng đất dự án, tình hình đấu giá…, đề xuất Thành phố hỗ trợ các địa phương để tháo gỡ các khó khăn này, nhất là phục hồi thị trường bất động sản.

Đề xuất Thành phố tổ chức hội nghị đối thoại

Báo cáo tổng hợp nội dung thảo luận tổ tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cũng cho biết, các đại biểu đề xuất Thành phố có đánh giá tổng thể về đầu tư công; trong đó cần có những chỉ đạo, định hướng lớn trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết đồng bộ cho toàn thành phố chứ không phải chỉ riêng lẻ từng khu vực.

Theo các đại biểu, Thành phố cần tập trung nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về quản lý, sử dụng đất; các giải pháp đồng bộ liên quan đến tái định cư, hỗ trợ người dân khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhằm triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các địa phương hiện còn nhiều vướng mắc.

Đồng thời, thành phố tiếp tục triển khai việc xử lý các tồn tại, hạn chế trong giao đất dịch vụ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và triển khai các dự án liên quan.

Đại biểu mong muốn đảm bảo nước sạch cho vùng nông thôn
Đại biểu dự kỳ họp sáng 6/12

Đại biểu đề nghị UBND Thành phố tiếp tục làm rõ, phân tích kỹ hơn hạn chế trong từng lĩnh vực cụ thể, phân tích sâu hơn nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của một số tồn tại, hạn chế; nhiệm vụ, chỉ tiêu còn đạt thấp để kịp thời có giải pháp khắc phục, trong đó tập trung vào một số nội dung (dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vốn đầu tư xã hội, các chỉ số PCI giảm…). Thành phố cần có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân…

Từ thực tế, các đại biểu kiến nghị, Thành phố cần có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; nghiên cứu triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và rà soát, xây dựng các chính sách của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp (nếu cần thiết).

Thành phố Hà Nội cần nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2024 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong tăng trưởng, phát triển kinh tế theo kịch bản dự kiến lựa chọn; xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế.

Thành phố cần tập trung thực hiện kịp thời các giải pháp vĩ mô để tháo gỡ nút thắt trong lưu thông tiền tệ và giao dịch bất động sản; đặc biệt cần có các dự báo và giải pháp ứng phó với sự đổ vỡ của trái phiếu và thị trường bất động sản; rà soát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn năng lực thực hiện; các giải pháp liên quan đến tín dụng ngân hàng; kiểm soát giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố (như giá xăng dầu…).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà thông tin, đại biểu đề xuất UBND thành phố tổ chức hội nghị đối thoại để Thành phố được nghe các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất cụ thể; đẩy mạnh thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã phân cấp, ủy quyền; kịp sung các quy định, quy chế, tổ chức phân công, phối hợp, bố trí đủ nhân lực, nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền.

Thành phố tiếp tục quan tâm đến hỗ trợ các huyện xa trung tâm trong phát triển kinh tế, hỗ trợ đầu tư (cả phần vốn đối ứng); tiếp tục quan tâm thường xuyên đến công tác cải tạo, sửa chữa hệ thống kênh mương, tưới tiêu phục vụ công tác nông nghiệp; tiếp tục rà soát nguồn lực đầu tư, hỗ trợ hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại các huyện này…

Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Thành phố, đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; năng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.

Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt.

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”.

Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 được trình thông qua, Thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng 6,5-7,0%; GRDP/người 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4%; giảm 300-400 số hộ nghèo.

Trần Vũ