Bày tỏ đồng tình với quy định thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội, luật gia Lê Trung Đức, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho rằng, Dự thảo Luật quy định một số thẩm quyền đặc thù cho Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố thuộc thành phố Hà Nội là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền chủ động, linh hoạt cho chính quyền thành phố, đảm bảo quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt.
Luật gia Lê Trung Đức cũng cho rằng, quan điểm xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội, song phải đi kèm cơ chế tương ứng để Thủ đô thực hiện mới thật sự đảm bảo tính khả thi.
Dự thảo Luật nên xây dựng 1 chương về vấn đề con người và cán bộ là góp ý của luật gia Nguyễn Vinh Tùng (Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Hà Nội). Trong đó, cần đánh giá tác dụng và sức ảnh hưởng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển xã hội về chính trị, kinh tế và văn hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý khoa học và quản lý kinh tế có những điểm khác nhau, nên cần có biện pháp, giải pháp thu hút và trọng dụng với từng nhóm đối tượng này.
Hội Luật gia Hà Nội góp ý xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Đồng thời, cũng theo luật gia Nguyễn Vinh Tùng, tại Chương V – Liên kết phát triển Vùng Thủ đô, cần có 1 điều về Công tác đánh giá thực hiện Luật hằng năm của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô và của tất cả các cơ quan có liên quan, hoặc đưa nội dung này vào chương VI – Điều khoản thi hành.
Quan tâm đến đề xuất “chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viên thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”, luật gia Nguyễn Thị Hồng Thắng – Chi hội Luật gia Văn phòng Thành hội, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội đề nghị cần tiếp tục để Bộ Y tế quản lý các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt.
Theo luật gia Nguyễn Kim Thoa, Hội Luật gia quận Thanh Xuân, cần bổ sung vào Điều 24 dự thảo Luật một khoản quy định về quy hoạch và lộ trình cụ thể theo năm để xây dựng mạng lưới các trường Trung học phổ thông công lập trong khu vực nội thành, đảm bảo một tỷ lệ nhất định, ví dụ như 85-90% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được học ở các trường Trung học phổ thông công lập.
Ngoài ra, bà Thoa đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm một khoản quy định về xây dựng nông thôn mới vì hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang quan tâm việc xây dựng nông thôn mới…
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhìn nhận, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa một số quy định còn phù hợp với Luật Thủ đô năm 2012, Luật hóa một số quy định trong các Nghị định của Chính phủ được thực tế chứng minh phù hợp với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo quy định của dự thảo Luật (về phân cấp, phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố) để thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND, UBND thành phố Hà Nội phải ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định (dự kiến gần 100 nghị quyết, quyết định).
Vì vậy, để Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi có hiệu lực thi hành được thực hiện ngay, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội góp ý, Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND Thành phố, UBND Thành phố cần giao cho các cơ quan chức năng có nhiệm vụ xây dựng các nghị quyết của HĐND, các quyết định của UBND thực hiện các điều, khoản được Luật Thủ đô giao cho HĐND, UBND Thành phố quy định, quyết định ngay từ bây giờ.