Kỳ cuối
Phố cổ Hà Nội vẫn giữ được nhiều nét đặc trung vốn có từ xa xưa |
Tạo bước chuyển biến mới
Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng vốn có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, với quan điểm bảo tồn và phát huy những giá trị của phố cổ, vừa bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại theo dạng thức vốn có của nó, những năm qua, thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều dự án nhằm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trong khu phố cổ như: Triển khai tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân và các tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I – khu phố cổ Hà Nội gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện…
Điều này thật sự có ý nghĩa khi Hà Nội đang rất thiếu công viên, quảng trường, khu vui chơi công cộng, nhất là chỗ vui chơi cho trẻ em. Đối với hoạt động du lịch, tác động của phố đi bộ là hết sức rõ ràng. Tháng 9/2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho tiến hành thí điểm việc tổ chức đi bộ xung quanh khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Số liệu thống kê từ năm 2016 cho thấy, số khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng 40% so với năm 2015. Năm 2019, lượng khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận đạt 2,35 triệu lượt, tăng 18,5%/năm; tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 98% cơ cấu kinh tế của quận Hoàn Kiếm.
Sau hơn 4 năm thực hiện đề án tổ chức đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ đã góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô |
Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, sau hơn 4 năm thực hiện đề án tổ chức đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ đã phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh, Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Gươm, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình – Thành phố sáng tạo, kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch Thành phố. Năm 2017, đề án đã được tặng Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”. Năm 2019, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã trao giải Vàng cho đề án trên trong khuôn khổ Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ nhất.
Để xây dựng khu phố cổ gắn kết với hồ Gươm thành một điểm nhấn không gian, điểm du lịch độc đáo, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng, trong năm 2020, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thành công cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm. “Đây là một trong những hạng mục quan trọng, vì vậy, tôi cho rằng thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện phương án được lựa chọn xứng đáng với quy mô, tầm vóc, giá trị của khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, góp phần tạo dấu ấn, hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực hồ Gươm, phục vụ tốt nhất cho du khách trong nước và quốc tế”, ông Trần Ngọc Chính cho biết.
Ngoài ra, theo ông Chính, trục Hàng Khay – Tràng Tiền – Nhà hát Lớn hiện đang là trung tâm đi bộ quan trọng, vì vậy cần kết hợp khai thác kiến trúc hai bên bằng các công trình đã có, cải tạo xây dựng mới các công trình thương mại, dịch vụ có giá trị kiến trúc thẩm mỹ cao để nâng tầm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, hài hòa trong tổng thể. Vị thế, vai trò của khu phố cổ cần được nâng tầm để tiếp tục coi trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Công tác bảo tồn khu phố cổ đúng hướng sẽ kích hoạt hoạt động thương mại, du lịch, đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao của Hà Nội.
Cồng đồng là yếu tố then chốt
Nhằm nâng cao chất lượng thương mại – dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị của ngành nghề truyền thống khu phố cổ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh thông tin, Hàng Gai là 1 trong 10 phường thuộc phố cổ của quận Hoàn Kiếm. Tuyến phố Hàng Gai đã tạo nên một thương hiệu với sản phẩm du lịch đặc trưng là hàng tơ, lụa phục vụ du khách nội địa và quốc tế mỗi lần đến thăm Hà Nội.
Năm 2001, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã lựa chọn tuyến phố Hàng Gai – Hàng Bông làm điểm xây dựng tuyến phố Văn minh đô thị. Năm 2004, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng tuyến phố chuyên doanh, phố nghề” và lựa chọn phường Hàng Gai thực hiện xây dựng “tuyến phố chuyên doanh hàng tơ lụa”. Theo đó, tuyến phố Hàng Gai dài 250m với 120 cửa hàng kinh doanh, trong đó 96 hộ kinh doanh hàng tơ lụa, lưu niệm.
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội chỉnh trang lại hạ hầng cơ sở tuyến phố đảm bảo cảnh quan đô thị, cải tạo mặt đứng tuyến phố Hàng Gai, vận động các hộ kinh doanh trên tuyến phố chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng… “Đặc biệt, qua thời gian thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, được nhân dân đồng tình ủng hộ và xây dựng được nhiều thương hiệu cửa hàng kinh doanh tơ lụa, lưu niệm; nhiều tour du lịch đã gắn kết các đoàn khách nước ngoài đến thăm quan…”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai cho biết.
Mỗi người dân phố cổ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý di sản văn hóa |
Đứng trên quan điểm di sản, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng cần cân nhắc việc quản lý di tích và xếp hạng di tích trong khu phố cổ. “Dư luận xã hội có xu hướng phản ứng không tích cực về vấn đề nâng cấp xếp hạng di tích và không thực sự đồng tình với cái gọi là hội chứng chạy theo danh hiệu hay thương hiệu di tích. Chúng ta cần hiểu đúng nội hàm của danh hiệu di sản”, ông nói.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng cư dân địa phương trong việc quản lý di sản văn hóa. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa là một trong những giải pháp không thể thiếu nếu muốn bảo tồn một cách bền vững và lâu dài. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong bất cứ thời điểm, giai đoạn nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định chính. Bởi, chỉ khi người dân, nhất là những người sinh sống trong khu phố cổ được gắn liền quyền lợi họ sẽ tự có ý thức bảo vệ những di sản quý mà chính người ta đang được hưởng lợi.
Không thể phủ nhận, trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, để xứng đáng với danh hiệu là Di tích Quốc gia trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, để các câu chuyện phố cổ được viết tiếp thì việc bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa là vô cùng cần thiết. Trong đó, quan trọng là phát huy vai trò to lớn của cộng đồng dân cư phố cổ trong ý thức bảo vệ di sản. Phải phát huy được giá trị vốn có, đồng thời quan tâm giữ gìn lối sống, phong cách sống người Tràng An, lấy đó là điểm mạnh thu hút khách du lịch, nhân lên phong cách sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, nhất là ứng xử nơi công cộng.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng: Muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ là hết sức quan trọng. Việc tuyên truyền bảo vệ các giá trị văn hóa phố cổ, đặc biệt là kiến trúc của khu phố cổ cho người dân là rất cần thiết. Để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống thì không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ. |