Câu chuyện về nữ trưởng thôn

Đảm nhiệm cương vị trưởng thôn suốt gần 20 năm, đối với nam giới, chuyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đã vất vả, thì với phụ nữ, điều này dường như còn khó khăn hơn bội phần. Dù vậy, bà Kiều Thị Hoạt (Trưởng thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) vẫn đam mê, trách nhiệm với việc làng, việc xã, được nhân dân tin yêu, quý mến.

“Ăn cơm nhà, vác tù và” hàng tổng”

Đến xã miền núi Tản Lĩnh, khi đang loay hoay hỏi đường đến nhà bà Kiều Thị Hoạt, chúng tôi tình cờ được chị Hoàng Thị Kim Luyến (sinh năm 1983) “mách nước” rằng đến nhà chắc chắn không thể gặp được bà vì Trưởng thôn đang bận rộn cùng đội thợ xây “bê tông hóa” đường sang thôn Ké Mới kế bên.

Câu chuyện về nữ trưởng thôn
Trưởng thôn Kiều Thị Hoạt (Ảnh ngoài cùng bên phải). Ảnh: P.T

Hỏi ra mới biết, nhiều năm về trước, do nằm sát chân núi Ba Vì, việc lưu thông và phát triển kinh tế của Cua Chu gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một trong những thôn gặp khó khăn “top” đầu của huyện Ba Vì. Quanh năm người dân chỉ biết trông chờ vào cây lúa, mà lúa lại cho năng suất thấp, đường xá đi lại khó khăn, không thể tiêu thụ nên nhiều gia đình chán nản bỏ ruộng. Họ bỏ vào rừng kiếm củi, kiếm các lâm sản để mưu sinh. Cứ thế, đói nghèo như một vòng lẩn quẩn khiến cuộc sống người dân mãi không thể đổi khác.

Nhưng giờ đây mọi chuyện đã được cải thiện. Tư duy trồng trọt, phát triển kinh tế của Cua Chu đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Để có sự phát triển như hiện tại có sự đóng góp lớn của Trưởng thôn Kiều Thị Hoạt.

Nhắc lại những kỷ niệm “vác tù và hàng tổng” của mình, bà Hoạt kể, bà được phân công đảm nhiệm Trưởng thôn từ năm 2003, khi đang là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tản Lĩnh. Trưởng thành từ phong trào Hội, ban đầu khi được phân công nhiệm vụ, bản thân bà đôi lúc cũng thấy bỡ ngỡ. Thế nhưng, bà tự nhủ rằng: “Là đảng viên nên bản thân luôn phải quyết tâm đi đầu, cái gì khó thì phải học hỏi và tự hoàn thiện”. Nghĩ là làm, để có thêm kinh nghiệm, bà Hoạt đã học hỏi từ những người đi trước qua những buổi sinh hoạt Chi bộ, những buổi tiếp xúc và làm việc tại xã, huyện. Hoặc cũng có nhiều khi người ta lại thấy bà Hoạt đến thăm từng nhà dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Thôn có 290 hộ, trên 1.200 người thì có tới 2/3 là người dân tộc thiểu số (Mường, Dao), vậy nhưng bà Hoạt hiểu từng hoàn cảnh, từng nóc nhà, biết họ cần gì, thiếu gì.

Ở Trưởng thôn Kiều Thị Hoạt, điều mà người dân ấn tượng nhất đó là tinh thần xung kích đi đầu. Chẳng thế mà bà là một trong những người tiên phong thuyết phục bà con chuyển sang trồng cây 3 vụ; phối hợp cùng chính quyền, các ban, ngành liên quan hỗ trợ để người dân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đứng ra thành lập đội cồng chiêng để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường… Chia sẻ về những chuyện này, bà Hoạt cho biết: “Đó là nhờ người dân ủng hộ, sự chung sức, đồng lòng của các ban, ngành đoàn thể địa phương, chứ chẳng phải của riêng mình tôi…”.

Không ít người dân thôn Cua Chu kể, “bí quyết” của bà Kiều Thị Hoạt nằm ở tài “dân vận khéo” khi khéo léo cùng Đảng ủy, chính quyền và bà con nhân dân làm nên sự thay đổi đáng ghi nhận trên mảnh đất quê hương.

Về chuyện ruộng đồng ở Cua Chu đến hiện tại còn không ít giai thoại. Chẳng là, giai đoạn trước năm 2017, người dân Cua Chu vẫn canh tác trên những phần ruộng nhỏ lẻ, cao thấp lô nhô. Việc gieo trồng, cấy hái của người dân manh mún và cho năng suất thấp. Thấy rõ được những bất cập, bám sát vào sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, thôn, bà Hoạt đã đi vận động từng người trong thôn làm cây vụ đông. Thuyết phục người dân rằng chính việc canh tác vụ 3 sẽ giúp thay đổi kinh tế. Ban đầu chỉ một vài hộ nghe theo và canh tác các cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu tương. Sau thấy việc trồng cây vụ 3 cho thu hoạch cao (tính trung bình cây đậu tương cho thu hoạch 50-60kg/sào, ngô cho thu hoạch 400kg/sào), công sức chăm bón, gieo trồng lại thấp hơn 2 vụ chính nên người trong thôn chẳng ai bảo ai đều nỗ lực canh tác cây vụ 3.

Thời điểm đó, Nhà nước có chính sách dồn điển đổi thửa nhằm phát triển nông nghiệp quy mô lớn, bà Hoạt đã cùng các thành viên Tiểu ban dồn điền đổi thửa đến từng nhà vận động nhân dân thực hiện chủ trương. Để đảm bảo công bằng, Tiểu ban dồn điền đổi thửa rũ rối đất rồi mời bà con bốc thăm ruộng. Bản thân bà Hoạt cũng nhờ bà con bốc thăm giúp phần ruộng của gia đình chứ không tự chia cho mình phần ruộng đẹp. Cuối cùng, mọi người đã được bà thuyết phục, đồng lòng giao ruộng để dồn điền. Không những vậy, với mỗi phần ruộng, người dân còn tự nguyện đóng góp 20m2 để làm mương tưới tiêu. Nhờ đó, bà Hoạt đã dồn được 5.000m2 đất dôi dư để làm Nhà văn hóa thôn, còn lại đóng góp vào quỹ đất tập thể.

Bà Hoạt còn có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ để người dân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất – một trong những chủ trương được Thành phố rất quan tâm chỉ đạo. Thay vì phải đi xa, đi nhiều nơi, bà con chỉ việc đến Nhà văn hóa thôn để Tiểu ban hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà cũng động viên các gia đình có nguyện vọng làm thủ tục cho, tặng đất các con, sau đó chính quyền thực hiện chia tách thửa để mỗi người con đều được xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Nhờ đó, nguy cơ người thân trong gia đình mâu thuẫn, bất hòa vì tranh chấp đất được giảm thiểu.

Tiên phong trong xây dựng đời sống mới

Với phương châm “ở đâu gặp khó, ở đó có phụ nữ tham gia”, bên cạnh việc nỗ lực thay đổi, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, bà Hoạt cũng là người đi vận động xây dựng đám tang, đám cưới văn minh. Các đám cưới tổ chức không kéo dài nhiều ngày, không bày thuốc lá ra tiếp khách. Đám tang tổ chức nhanh gọn, không đốt hoặc rải vàng mã dọc đường.

Thấy được việc cần phải giữ gìn bản sắc riêng tại thôn bản, bà Hoạt cũng đi khắp nơi vận động thành lập đội cồng chiêng tại thôn. Nhờ sự vận động khéo léo nên hoạt động này được người dân hưởng ứng. Đội cồng chiêng được thành lập. Ban đầu chỉ có 25-26 người, dần dần phong trào đã phát triển lên hơn 50 hội viên với đủ cả nam và nữ. “Cua Chu chúng tôi đã tự xã hội hóa được các sân chơi, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Khu vui chơi hiện có 2 điểm công cộng và 3 điểm thuộc hộ gia đình. Chiều nào đội bóng chuyền hơi trong thôn cũng tập luyện và giao lưu khắp các nơi”, bà Hoạt chia sẻ.

Nói thì dài nhưng những đổi thay của Cua Chu có thể thấy rõ nhất thông qua việc đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Có thời điểm, hộ nghèo trong thôn lên đến mức 40-50 hộ dân, giờ chỉ còn 2 hộ nghèo. Đặc biệt, ý thức của người dân địa phương trong các “việc chung” như dồn điền đổi thửa, sự đồng thuận lên đến 100%. Trong đó đường nội đồng, liên thôn, liên xã gần như không phải giải tỏa, người dân đều tự nguyện hiến đất làm đường. Từ những con đường đất chỉ rộng 2m, đường thôn Cua Chu nay đã rộng 3-4m, trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp.

Gần 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng thôn, bà Hoạt thuộc lòng gia cảnh từng hộ dân. Bất cứ lúc nào người dân trong thôn cần tới là bà có mặt, dù là ngày nghỉ hay lúc nửa đêm, gà gáy. Chính nhờ sự tận tụy, hết mình vì việc chung, bà Hoạt trở thành nữ trưởng thôn có thâm niên lâu nhất ở xã Tản Lĩnh.

Dù đã có những nỗ lực làm thay đổi bộ mặt cả vùng quê nghèo nhưng bà Hoạt vẫn ấp ủ nguyện vọng, nếu có thể, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa hạ tầng giao thông và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân miền núi.

Được biết, hiện tại, Cua Chu đang đẩy mạnh xây dựng mô hình “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, “Đoạn đường phụ nữ nở hoa”… Ngay khi có những chủ trương này, Trưởng thôn Kiều Thị Hoạt đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân cùng tham gia, chung tay để thôn xóm ngày một đẹp hơn.

Đến nay, các loại hoa như mười giờ, đồng tiền… đang đua nhau khoe sắc, tô điểm thêm vẻ đẹp của Cua Chu. Việc làm này đã hạn chế nạn xả rác thải bừa bãi, làm đẹp cảnh quan nông thôn, góp phần để Cua Chu nói riêng và Tản Lĩnh nói chung hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới./.

Phạm Thảo