Chăm lo cho lao động nữ: Nhìn từ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Lao động nữ tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước bên cạnh việc được đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng còn được Công đoàn cùng người sử dụng lao động quan tâm, tạo điều kiện để thụ hưởng những “đặc quyền” về chăm lo sức khỏe. Từ đó, họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều “đặc quyền” cho lao động nữ

Đến tác nghiệp tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi thực sự ấn tượng với các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Quan sát thấy, tại Công ty lao động nữ mang thai được bố trí công việc nhẹ nhàng, có ghế ngồi khi làm việc, khi mệt mỏi được vào phòng y tế để nằm nghỉ; Công ty đã bố trí phòng vắt sữa để phục vụ lao động nữ đang nuôi con nhỏ.

Chăm lo cho lao động nữ: Nhìn từ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước
Lao động nữ mang thai tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội được bố trí ghế ngồi để làm việc. Ảnh: Mai Quý

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thắm – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, với đặc thù người lao động tại Công ty có 95% lao động là nữ, do vậy, Ban Chấp hành Công đoàn đã đại diện cho người lao động để thương lượng với Ban lãnh đạo Công ty và đưa vào Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ. Đơn cử như, về chế độ nguyệt san, lao động động nữ được nghỉ 30 phút/ngày; khi khám sức khỏe định kỳ hằng năm, lao động nữ được khám thêm tuyến giáp, siêu âm vú, khám phụ khoa…

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Công đoàn đã duy trì việc tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, phát thuốc miễn phí, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp và chế xuất. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức khám sức khỏe, khám phụ khoa miễn phí cho nữ đoàn viên, người lao động.

Ngoài ra, đã có trên 207.000 lượt nữ đoàn viên, người lao động được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”, hỗ trợ có hoàn cảnh, hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19. Nhân các ngày của giới như ngày: Quốc tế phụ nữ (8/3), Gia đình Việt Nam (28/6), Phụ nữ Việt Nam (20/10)… các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, như tổ chức mittinh, gặp mặt cán bộ nữ, sinh hoạt truyền thống, tuyên truyền giáo dục về giới, nghe nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hội thi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Ngoài ra, để nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống tinh thần cho lao động nữ, Công đoàn Công ty đã mời các chuyên gia đến tư vấn về chế độ thai sản, chế độ dinh dưỡng khi nuôi con nhỏ, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình…; tổ chức các hoạt động như thể dục thể thao, cắm hoa nghệ thuật… nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Đặc biệt, từ nhu cầu rất lớn về phòng vắt sữa của lao động nữ đang nuôi con nhỏ, năm 2015, Công đoàn đã đề xuất với Ban Giám đốc Công ty bố trí phòng vắt sữa với đầy đủ trang thiết bị như tủ lạnh, máy vắt sữa, dụng cụ cá nhân để người lao động sử dụng một cách an toàn, vệ sinh nhất. Hằng ngày, đều có lao động nữ đang nuôi con nhỏ vào vắt, tích trữ sữa và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm nuôi dạy con.

Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội), ngoài việc phát huy vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho trên 2.300 lao động của Công ty, Ban Chấp hành cũng đặc biệt quan tâm, chăm lo cho lao động nữ bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Bà Lê Thị Bạch Liên – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, hiện Công ty có trên 1.200 lao động nữ đang làm việc. Để chăm lo đời sống cho lao động nữ, Công đoàn đã động viên nữ đoàn viên tham gia sinh hoạt văn hóa tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Ngoài ra, Công đoàn cũng thành lập Câu lạc bộ tập Yoga, nhảy Zumba… hoạt động 4 buổi/tuần sau giờ làm việc, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia. Từ năm 2018, với sự vào cuộc của Công đoàn, Công ty đã xây dựng phòng vắt sữa cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ với kinh phí là 450 triệu đồng. Hằng năm, có gần 2.000 lượt lao động nữ sử dụng phòng vắt sữa. Từ đề xuất của Công đoàn, Công ty đã xây dựng phòng nghỉ cho lao động nữ, trang bị thêm các thiết bị tiện nghi cho khu vệ sinh của lao động nữ với kinh phí là 500 triệu đồng.

Phát huy vai trò giám sát của Công đoàn

Công đoàn Công ty cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân các ngày của giới như: Tổ chức Ngày hội văn hóa Stanley nhằm tri ân, cảm ơn người lao động; tổ chức cho lao động nữ đi xem phim, biểu diễn nghệ thuật…; quan tâm tặng quà sinh nhật, thăm hỏi khi ốm đau, thai sản, tổ chức tiệc tất niên, du xuân lễ chùa đầu năm, đi nghỉ mát vào mùa hè. Công đoàn đã thành lập Quỹ Tấm lòng vàng Stanley và vận động mỗi đoàn viên tự nguyện đóng góp 10.000 đồng/tháng, tổ chức bán hàng tại lễ hội của công ty, bán đấu giá quà tặng… để gây quỹ và đã tạo được nguồn quỹ hơn 1 tỷ đồng để trợ giúp cho nữ đoàn viên và con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ lao động nữ khi ốm đau, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Chăm lo cho lao động nữ: Nhìn từ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước
Lao động nữ tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam tham gia Câu lạc bộ Yoga tại Công ty.

Ngoài ra, hằng năm, Công đoàn Công ty đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho lao động nữ như: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; mời giảng viên chuyên môn về nói chuyện chuyên đề về chính sách, pháp luật liên quan lao động nữ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cách chăm sóc, nuôi dạy con; vận động lao động nữ tham gia các cuộc thi về tìm hiểu pháp luật.

Nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với lao động nữ thông qua việc phối hợp với Phòng hành chính nhân sự của Công ty tiến hành rà soát việc thực hiện chính sách về lao động nữ ở toàn bộ các bộ phận, phòng ban trong nhà máy, đảm bảo lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 được ngồi làm việc ở những vị trí phải đứng khi vận hành máy móc; chuyển lao động nữ đang mang thai đến nơi làm việc nhẹ hơn; không cử lao động nữ mang thai đi làm thêm, làm ca đêm và đi công tác xa… “Qua việc kiểm tra giám sát, 100% các phòng ban, bộ phận tại Công ty đều thực hiện đúng chính sách về lao động nữ”, bà Lê Thị Bạch Liên nhấn mạnh.

Chia sẻ về những ấn tượng trước các hoạt động chăm lo của Công đoàn, chị Bùi Thị Huyền – công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết: “Tôi làm việc tại Công ty đến nay đã 13 năm, trong suốt quãng thời gian đó, tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo, đồng hành của Công đoàn Công ty. Nhờ Công đoàn, chúng tôi được cải thiện hơn về đời sống văn hóa tinh thần thông qua việc tham gia các Câu lạc bộ tập Yoga, nhảy Zumba; được tham dự Ngày hội văn hóa Stanley; được đi xem phim, biểu diễn nghệ thuật… Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên được phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái. Nhờ đó, chúng tôi luôn đảm bảo được sức khỏe để lao động sản xuất và có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho gia đình”./.

Mai Quý