Chấn chỉnh an toàn vận tải đường sông

Sau vụ lật thuyền Dìn Ký ở Bình Dương (16 thiệt mạng), chìm tàu ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh (9 người thiệt mạng), vụ lật thuyền chở khách đi chùa trong dịp đầu xuân 2023 mới đây xảy ra trên sông Đồng Nai khiến 1 người phụ nữ tử vong tiếp tục gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), nhất là tại các bến đò ngang sông ở một số tỉnh thành phía Nam.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô quay lại khu vực bến đò xảy ra tai nạn trên sông Đồng Nai vừa qua nhưng bến đò này đã dừng hoạt động. Theo một số người dân xung quanh, sau vụ tai nạn, một số bến đò ở thành phố (TP) Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Đồng Nai đã tạm dừng hoạt động. Trước đây, những bến đò này thường rất đông khách, nhất là vào những ngày đầu năm khi nhu cầu thăm viếng chùa Phước Long tăng cao.
Chấn chỉnh an toàn vận tải đường sông
Nhiều người dân vẫn chủ quan không mặc áo phao khi đi đò. Ảnh: Minh Tuấn

Do sông Đồng Nai, nơi giáp ranh giữa TP.Thủ Đức và Đồng Nai hiện chỉ có cầu Đồng Nai và cầu Long Thành bắc qua nên nhiều người dân sống xung quanh vẫn lựa chọn đi đò để tiết kiệm thời gian. Nắm bắt được nhu cầu đó, những năm qua, nhiều bến đò tự phát đã được lập nên, chuyên chở hàng trăm lượt hành khách. Những bến bãi này sử dụng nhiều đò được cải hoán từ các phương tiện đánh bắt cá, công suất nhỏ, người điều khiển phương tiện chưa có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lượt đi đò qua sông, hành khách chỉ phải trả từ 25.000 đồng/người/xe máy. Mỗi ngày, những bến đò này hoạt động từ liên tục từ 5h – 17h30, trung bình 50 -70 chuyến. Khi đi trên những chuyến đò này, hành khách không được khuyến cáo phải mang áo phao để đảm bảo an toàn, dù những chiếc áo phao cũ kỹ vẫn được treo ở khu vực buồng lái.

Anh Phạm Hữu Danh (46 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, do đặc thù công việc phải di chuyển qua lại giữa qua lại giữa TP Thủ Đức và Đồng Nai nên dù biết chưa an toàn nhưng bản thân vẫn thường xuyên lựa chọn bến đò để tiết kiệm thời gian, nhanh hơn so với việc đi đường bộ theo tuyến xa lộ Hà Nội hoặc phà Cát Lái. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho hay, vì thời gian đi đò chỉ mất khoảng 10 – 15 phút nên việc mang áo phao là không cần thiết. “Tôi đi đò nhiều năm rồi nhưng rất ít khi mang áo phao, vì đi qua bờ bên kia chỉ một lúc nên mang áo phao mất thời gian, trong khi áo phao không được vệ sinh thường xuyên nên mang lên người sẽ dính bụi bẩn”, bà Hồng cho biết.

Dù được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh nhưng nhiều người dân TP.HCM khi đi đò vẫn chủ quan, thờ ơ với việc mang áo phao, trong đó có nhiều bến đò nhỏ ở quận 8. Đơn cử tại bến đò Rạch Cát chở khách từ đường Lưu Hữu Phước băng qua kênh Đôi để đến đường Phạm Thế Hiển, người dân phải đi vào một con hẻm nhỏ, từ con hẻm đó, người dân phải đi xe xuống đò bằng một con dốc khá cao, đặc biệt khi nước thấp, con dốc càng cao và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mỗi lần xe máy lên được đò là con đò lại chòng chành tưởng chừng như muốn lật úp.

Cách đó không xa là bến đò Hội Đồng. Tại đây người dân và thuyền viên thường xuyên không mang áo phao khi đi đò. Mỗi khi đò lắc sóng hoặc cần bẻ lái, những người đứng trên dò lại gồng người theo hướng ngược lại để giữ thăng bằng. Chị Nguyễn Thị Hải Minh (29 tuổi, ngụ quận 8) cho hay, mỗi lần di chuyển bằng đò qua kênh Đôi khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian, cộng với việc chi phí chỉ mất 3.000 đồng nên chị vẫn ưu tiên lựa chọn di chuyển bằng những chuyến đò nhỏ. Dù vậy, chị vẫn cảm thấy lo lắng khi đi đò, nhất là vào lúc nước thấp, dốc cao và khá trơn trượt.

TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thường xuyên đối mặt với triều cường, thời tiết xấu do mưa, bão. Trong khi đó người dân vẫn còn thói quen đi lại bằng thuyền đò nhưng nhiều bến bãi chưa được cấp phép. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, tính đến nay trên địa bàn Thành phố có 59 bến thủy nội địa đang hoạt động chưa được công bố, cấp phép hoạt động và các bến thủy nội địa không đủ điều kiện xem xét công bố lại, gia hạn hoạt động. Địa bàn có nhiều bến không phép nhất là huyện Bình Chánh (27 bến), TP.Thủ Đức (11 bến), quận 8 (7 bến)…

Trước thực trạng đó, Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thuộc Công an TP.HCM, Sở GTVT kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động, các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý, các hành vi neo đậu phương tiện để xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa hoặc đón, trả hành khách sai quy định… Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với phương tiện chở quá tải trọng cho phép; tăng cường kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. Đối với việc quản lý hoạt động bến bãi, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các địa phương yêu cầu chủ các bến ký cam kết chấp hành trong kinh doanh hoạt động vận tải hành khách ngang sông, cam kết không chở quá sức chở cho phép, thuyền viên có đầy đủ giấy tờ chứng nhận chuyên môn.

Tương tự, tại Bình Dương, lực lượng chức năng cũng đã và đang quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ. Đáng chú ý, giữa tháng 8/2022 Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã lập biên bản xử lý một công ty du lịch tự ý lập bến thủy không phép trên sông Sài Gòn để kinh doanh. Tính riêng trong năm 2022 lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã thực hiện hơn 200 ca tuần tra kiểm soát và phòng chống tội phạm trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; qua đó phát hiện, lập biên bản hơn 38 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ. Lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu chủ 24 bến ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Xuân Tình – Minh Tuấn

Chấn chỉnh an toàn vận tải đường sông (laodongthudo.vn)