Trước đến nay, nói đến Hà Nội là nói đến Hoàng Thành Thăng Long, đến phố cổ, Hồ Gươm và những không gian của lịch sử Thủ đô. Ngày nay, trong quá trình đô thị hoá, Hà Nội không chỉ mang trong mình lịch sử lâu đời đó của 36 phố phường mà còn phát triển mạnh mẽ về phía Đông – bên kia sông Hồng. Ở một góc độ nào đó, cầu Trần Hưng Đạo là một trong những cây cầu huyết mạch, nếu được xây dựng lên sẽ trở thành trung tâm của Hà Nội mới, kết nối khu phố cổ với các khu vực mới đang phát triển ở phía Đông.
“Hà Nội” ngay chính cái tên của nó đã nội hàm ý nghĩa là “Bên trong của những dòng sông”, mà sóng trên những dòng sông thì không bao giờ ngừng nghỉ. Nói đến Hà Nội, là nói đến Hồ Gươm, Hồ Tây, nói đến mênh mông sông Hồng với những con sóng không ngừng nghỉ trong cả không gian và thời gian. Nói đến con người Hà Nội, là nói đến nhịp đập rộn rã khắp phố phường với nhiệt huyết và đam mê của người Hà Nội. Tất cả, đâu đâu cũng có hình ảnh của các con sóng. |
Sự giao thoa của các con sóng, con sóng của lịch sử, con sóng của không gian Hà Nội, và con sóng nhiệt huyết trong mỗi trái tim người Hà Nội đã gợi ý cho các kiến trúc sư liên danh tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc NIWA – Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam – Công ty TNHH Chodai – Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village. Bản thiết kế này được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất. |
Phương án kiến trúc được nhấn mạnh ở đây, giữa mênh mang sông nước gợi mở một một Hà Nội không giới hạn (INFINITY Hà Nội). Phương án kiến trúc gợi mở hình tượng về “Kết nối” và “Cộng hưởng” của 2 bên bờ sông để tạo ra một Hà Nội thịnh vượng vĩnh cửu. Sự kết nối và cộng hưởng của hai con sóng, một từ “Phố cổ Hà Nội”, một từ “quận Long Biên” sẽ tạo ra hình tượng “không giới hạn” cho sự thịnh vượng của Hà Nội Lớn. Sự giao thoa của những con sóng cũng có thể nhìn thấy từ bầu trời, nó gợi mở hình tượng những con sóng kết nối chặt chẽ giữa hai bên bờ sông để tạo nên một Hà Nội rộng lớn hơn – Hà Nội không giới hạn. |
Bên cạnh đó, theo đơn vị tư vấn, Trần Hưng Đạo là vị anh hùng của đất nước và con người Việt Nam. Do đó, với việc lựa chọn sắc mầu ngọc trai sẽ mang tính sang trọng, cao quý. Ngoài ra, sự đan xen của những vòm cầu lớp lớp cũng làm liên tưởng hình ảnh của sự kết nối, tính kế thừa, tập hợp các sức mạnh để làm lên sự nghiệp của Đất nước nghìn năm văn hiến, Thủ đô nghìn năm tuổi. Đó chính là triết lý, ý tưởng chủ đạo trong phương án kiến trúc. |
Cầu Trần Hưng Đạo nối liền hai bờ sông Hồng cũng được đơn vị tư vấn thiết kế với mục tiêu tối ưu hoá giao thông của Thành phố, đặc biệt là khu vực phía đầu đường Trần Hưng Đạo. Phương án kết nối đầu cầu vừa đảm bảo giao thông tiếp cận và xuống cầu từ mọi hướng, phù hợp với tương lai phát triển hai bờ sông Hồng đồng thời giảm thiểu tối đa giải phóng mặt bằng phía nội đô trong đê. Thiết kế tích hợp đường đi bộ và xe đạp để người dân và khách du lịch dễ dàng tiếp cận và thưởng thức cảnh quan. |
Cây cầu được thiết kế cùng với cảnh quan ở đầu Thạch Cầu thành một thể thống nhất tạo ra không gian thư giãn cho người dân Thành phố và điểm đến cho khách du lịch. |
Cầu sẽ được chia làm hai hướng, mỗi hướng 3 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp (phía trong cùng bên phải mỗi hướng). Trên phần đường dành cho người đi bộ có các điểm chụp hình tại các vị trí trụ. |
Đi bên trên cầu sẽ là một trải nghiệm của đường cong Infinity (vô tận) lặp đi lặp lại, xen kẽ các khoảng không gian hướng ra sông ở các đoạn phần vòm sóng xuống thấp tạo cảm giác hùng vĩ và khoáng đạt. |
Đây cũng là cây cầu qua sông Hồng đầu tiên ở Hà Nội có riêng làn dành cho xe đạp, làn dành riêng cho người đi bộ đi qua cầu và có đài vọng cảnh, chỗ check in để mọi người dân và khách du lịch có thể thưởng ngoạn, ngắm cảnh trên cầu. |
Phong cách chiếu sáng hiện đại sẽ làm cho cây cầu càng lung linh hơn, và sẽ trở thành một biểu tượng mới của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Phương án chiếu sáng được đề xuất một màn trình diễn ánh sáng đặc biệt vào cuối tuần tạo ra những hoạt động mới trên sông Hồng. |
Trong phương án kiến trúc này, ngoài bản thân cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế như một điểm nhấn cảnh quan trong lòng Hà Nội, còn có một hệ thống các công trình công năng phục vụ các hoạt động công cộng, các điểm vọng cảnh trên và xung quanh cầu tạo thành một chỉnh thể thống nhất bao gồm Cầu chính và Hệ đài vọng cảnh & đường dẫn kết nối. Quảng trường phía đầu Thạch Cầu hứa hẹn về một không gian văn hóa mới của Thủ đô. |
Tuấn Dũng
https://laodongthudo.vn/chat-ha-noi-trong-phuong-an-dat-giai-nhat-cuoc-thi-tuyen-kien-truc-cau-tran-hung-dao-136885.html