Chất “văn” ở một làng nghề

“Ngược sóng Hồng Hà/ Dựng phường Bạch Thổ/ Mở mang gạch ngói nghề xưa/ Theo đuổi bút nghiên nếp cũ/ Ơn Thành hoàng sáu vị chở che/ Đời dân chúng một vùng trù phú”. Tôi được nghe lời ca này trong một buổi sáng đầu xuân, khi cùng mấy người bạn đứng ở sân trước đình làng Bát Tràng. Dòng sông Hồng đoạn chảy ngang đây dường như thao thiết hơn.

Những “nghệ sĩ” làng gốm Bát Tràng đang miệt mài bên sản phẩm gốm. Ảnh:Linh Tâm

Làng khoa bảng

Vừa ngồi vào bàn nước bên trong đình làng, ông Trần Đức Thuận, Trưởng ban Khánh tiết đình Bát Tràng kiêm Trưởng ban Quản lý di tích làng Bát Tràng đã giới thiệu luôn: “Làng Bát Tràng chúng tôi không chỉ là một làng nghề nổi tiếng mà còn là một làng văn”. Rồi ông đưa ra dẫn chứng: Trong cuốn sách “Các làng khoa bảng Thăng Long – Hà Nội” (do Tiến sĩ Bùi Xuân Đính và Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chủ biên, NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2004) đã giới thiệu làng Bát Tràng với tư cách là một làng khoa bảng với 8 vị Tiến sĩ, hàng trăm Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ và Tú tài. Như để chứng minh thêm, ông Thuận chỉ tay vào đôi câu đối được treo trang trọng trong đình làng: “Ngũ hành tứ khí chung anh kiệt/ Vạn trượng văn quang biểu cát tường”, có nghĩa “Khí trời tụ lại sinh nhiều người tài giỏi/ Tiếng thơm văn hiến sáng vạn trượng xa”.

Sách xưa cũng ghi lại: Các vị Tiến sĩ của làng Bát Tràng thuộc 6 dòng họ, họ Lê có nhiều người đỗ nhất (3 vị, trong đó có 2 vị là anh em ruột). Và trong 8 vị Tiến sĩ của làng có 2 người đỗ vào thời Mạc, 1 người đỗ vào thời Nguyễn, 6 người đỗ vào thời Lê – Trịnh; đặc biệt trong số đó có 1 Trạng nguyên.

Lý giải vì sao làng Bát Tràng vốn là một làng nghề có truyền thống liên tục hơn ngàn năm (làng Bát Tràng do 5 dòng họ vốn làm nghề gạch, gốm từ Bạch Bát – Ninh Tràng miệt Hoa Lư, Ninh Bình theo vua Lý Công Uẩn thiên đô về đây lập làng lập nghiệp từ mùa xuân năm 1010) lại có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt, ông Thuận cho biết thêm: “Làng Bát Tràng vốn thuộc xứ Kinh Bắc, kề cận kinh thành Thăng Long, nơi đây kinh tế phát triển, nhân tài nhiều, do vậy người Bát Tràng có điều kiện thuận lợi để cho con em học hành, phát tiển tài năng”. Lời giải thích đó khá chính xác, nhưng cái hay là ở chỗ người Bát Tràng đâu chỉ “mải mê” với làm ăn mà trong thâm tâm họ luôn coi trọng sự học cho con cái và coi đó là động lực để phát triển nghề làng.

Từ xưa, các vị chức sắc trong làng Bát Tràng đã đặt ra chế độ khuyến học tương đối thỏa đáng. Ví như mỗi khi làng tổ chức hội làng đều có 4 chiếu đặt nơi trang trọng nhất tại đình làng. Đó là nơi để các vị cao niên trong làng, các vị chức sắc trong làng được làng mời lên đó ngồi. Trong đó, “chiếu thứ hai” dành cho những người đỗ Tiến sĩ, nếu năm đó làng không có ai thi đỗ thì chiếu đó để trống.

Lại để chứng minh cho truyền thống khoa bảng, ông Thuận cùng ông Đoàn, Phó ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng, đã đưa tôi thăm Văn chỉ của làng ở ngay kế bên đình. Cả hai ông đều tự hào cho biết: Những làng có Văn chỉ ở nước ta không nhiều lắm!

Nếu như Văn Miếu là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam thì ở Đồng bằng Bắc Bộ, Văn từ hay Văn chỉ là một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của làng quê. Được biết, làng nào muốn lập Văn chỉ thì phải có nhiều người đỗ đạt mà trước hết phải có người đỗ đại khoa từ tiến sĩ trở lên, nghĩa là phải có nhân vật và sự kiện để khắc vào bia đá lưu danh muôn thuở ở Văn chỉ.

Văn chỉ làng Bát Tràng có lẽ được xây dựng cũng khá lâu và hình thành từ dạo chính những người con của làng đã đỗ đạt. Dòng chữ được ghi trên cổng Văn chỉ “Ngưỡng di cao” là thể hiện lời nhắc nhở con em của làng phải luôn phấn đấu vươn cao hơn nữa trong học hành. Lại một minh chứng cho truyền thống hiếu học và thể hiện khát vọng học hành đỗ đạt của người dân làng nghề Bát Tràng. Điều đó chính là “nguồn cội” cho nghiệp nghề của làng phát triển, tồn tại và ngày một nâng tầm phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa.

Sự kết hợp giữa văn hóa với nghề nghiệp

“Vậy thì theo hai ông, chất “văn” của người làng đã được thể hiện như thế nào vào nghề gốm?”. Tôi đặt câu hỏi ấy với ông Thuận và ông Đoàn, cả hai ông đều cười vui. Nhìn nụ cười vui ấy của hai ông, tôi hiểu câu hỏi của mình có vẻ “hơi thừa”, nhưng thực tình là tôi muốn hai ông nói rõ hơn về mối quan hệ giữa văn và nghiệp của người làng gốm.

Ông Thuận chợt ngân nga: “Anh về mua gạch Bát Tràng/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Rồi ông lại nở một nụ cười vui nữa. Tôi biết câu ca dao này đã quá quen thuộc từ thuở xa xưa, nó không chỉ khái quát về chất lượng của gốm Bát Tràng mà còn cả tiếng thơm của vùng quê bên sông Hồng này nữa. Xưa nay, người đời hay ví những cô gái đẹp là những “nàng thơ” và cứ theo đó mà suy ra thì “nàng thơ” của người Bát Tràng chính là những sản phẩm từ đôi bàn tay của họ. Nói không ngoa thì gốm Bát Tràng là nàng thơ của trí tuệ và tài năng của người thợ làm gốm, những người thợ quê chân chất, bình dị ấy đã “thổi hồn” vào những viên đất, hòn đất tưởng như vô tri vô giác. Bằng nghị lực và cả bằng sự tài hoa, dĩ nhiên “tài hoa” ấy là sự đúc kết của chất “văn”, của chất “đời” của người làm nghề. Người thợ gốm làng Bát Tràng thực sự là những nghệ sĩ, bởi nếu như không có tâm hồn nghệ sĩ thì làm sao gạch Bát Tràng lại đi vào thơ ca: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”.

Nghe theo lời của ông Thuận và ông Đoàn, những ngày sau đó tôi tha thẩn khắp làng Bát Tràng. Khi thì ngồi hàng giờ để xem người thợ cẩn thận đổ khuôn, lúc thì mải mê ngắm những cô thợ trẻ vẽ họa tiết cho những chiếc bình gốm, có lúc lại dạo bước ngắm nghĩa vô vàn những bình, những bát, những đĩa gốm Bát Tràng được bày bán khắp làng.

Từ lúc đặt chân lên đất làng gốm, tôi dường như bị ngợp trước khung cảnh những dãy phố cửa hàng cửa hiệu san sát, tủ kính sáng choang, đèn đuốc tưng bừng. Hầu như tất cả chỉ bày bán duy nhất một sản phẩm, đó là gốm của làng. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, có lẽ trên trái đất này không có nơi nào mà sản phẩm sinh ra từ bàn tay khối óc người thợ lại được trưng bày nhiều đến thế. Mẫu mã đẹp, màu sắc tinh tế, chất lượng tuyệt vời và đặc biệt là số lượng. Sau nhiều biến cải, gốm Bát Tràng vẫn thể hiện một sức sống mãnh liệt, vẫn tồn tại và phát triển.

Dừng chân ở một cửa hàng, tôi bày tỏ ý định tìm mua đồ thờ cúng. Cô chủ tuổi ngoài bốn mươi, gương mặt hồn hậu, câu chào níu chân, đon đả giới thiệu về sản phẩm. Trong một không gian thoáng rộng, ánh đèn soi rọi những sản phẩm gốm như những “ánh mắt” nhìn tôi đầy gợi ý. Cuối cùng, tôi chọn mua được thứ mình cần, phải công nhận đẹp và đúng ý. Thấy tôi vui vui, cô chủ cửa hàng tên là Phạm Thị Hường khoe luôn: “Cụ cố nhà cháu tên là Phạm Văn Ẩm (họ Phạm là một trong 5 dòng họ khởi nghiệp ở Bát Tràng) hồi trước đã mang sản phẩm của mình đi dự trưng bày tại Nhà đấu xảo Hà Nội và được Toàn quyền Đông Dương phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân gốm sứ” đấy chú ạ. Đó là năm 1943”. Tôi hỏi thêm: “Thế cụ cố nhà mình có cho biết bí quyết để có sản phẩm đẹp là thế nào không?”. Cô Hường trả lời luôn: “Cụ có truyền lại là phải có tâm và phải có hồn chú ạ”.

Có tâm và có hồn, đó chính là nét văn hóa nghề nghiệp. Tâm chính là cái đức và hồn chính là chất văn, đó là bí quyết để người thợ sáng tạo nên những sản phẩm gốm “vạn người mê”. Đó là sự giao thoa, sự kết hợp giữa văn hóa với nghề cổ truyền. Người làm nghề nếu thiếu đi hai thứ đó thì sẽ không bao giờ có những sản phẩm đẹp và tốt.

Có thể nói: “Mỗi người thợ gốm Bát Tràng là một nghệ sĩ thực thụ”. Dĩ nhiên rồi, có thế thì làng nghề mới tồn tại và phát triển qua ngàn năm thăng trầm, biến cải. Tôi chợt nhận ra ý nghĩa sâu sắc của dòng đại tự trên bức hoành phi treo chính giữa đình Bát Tràng: “Thiên địa hợp kỳ đức”, có nghĩa là “Trời đất cùng hợp thành một đức”.

Nguyễn Trọng Văn

https://laodongthudo.vn/than-khuyet-tam-khong-khuyet-137378.html