Chè Hà Nội…

Chè Hà Nội nổi tiếng bởi sự đa dạng, thơm ngon, độc đáo và vô cùng hấp dẫn. Có biết bao loại chè chỉ nghe tên gọi thôi đã đủ khiến cho ta có cảm giác thèm thuồng: Chè sen, chè sen long nhãn, chè hoa cau, chè bá cốt, chè con ong, chè cốm, chè đậu đen, chè đỗ xanh nước cốt dừa, chè đỗ đỏ, chè bắp…

1. Chè Hà Nội – Ngọt ngào đậm đà tính dân tộc

Ảnh minh họa/Internet

Người Hà Nội ăn chè quanh năm, cả ngày hè nóng nực, cả ngày hiu hiu lạnh gió heo may và cả những ngày đông giá lạnh, mưa phùn gió bấc, mùa nào cũng đủ thứ chè. Chè loãng thường được nấu vào mùa nóng, chè đặc thường được nấu vào mùa lạnh. Nguyên liệu nấu chè đơn giản, tùy theo loại chè mà tìm: một ít loại hạt đậu đỗ hay hoa quả, đường, thạch đen, dừa nạo sợi, hương liệu vani, nước hoa bưởi, nước hoa nhài, dầu chuối, gừng, bột đao, bột hoàng thanh, bột sắn, bột lọc… đã đủ làm nên các món chè ngọt ngào, say lòng bao người. Chè hạt sen được nấu rất khéo, nước trong, thoang thoảng mùi sen, hạt tròn không vỡ. Chè đỗ xanh mịn nhuyễn, thêm ít đá vụn đánh lên, ăn thanh mát, ngọt dịu. Chè đậu xanh còn được biến tấu với sự kết hợp của nước cốt dừa, vị ngọt hơi béo của nước cốt dừa quyện lẫn với vị bùi bùi của đậu xanh, cùng hương thơm thoang thoảng của vani, tuy đơn giản nhưng rất ngon miệng, hấp dẫn. Chè đỗ đen mềm mà không nát, hạt đậu ngọt nhưng không quá sắc, thêm vài viên đá và thạch đen, dừa sợi, là đồ giải khát và thanh nhiệt rất tốt. Chè bắp dẻo mềm, dân dã, ngon miệng với hương vị thơm ngọt, dẻo mềm của bắp non. Chè đậu ván nước cốt dừa có vị ngọt của nước cốt dừa, cái bùi của đậu ván, hương thơm của vani, tất cả hòa quyện vào nhau, đơn giản mà thơm ngon, hấp dẫn…

Chè Hà Nội là sản phẩm của đồng ruộng sông núi nhưng được chế biến qua đôi bàn tay khóe léo tài hoa của người Hà Nội, vừa tao nhã, vừa chân thực, phong phú và hào hoa, nhân lên vị ngon đằm thắm, hương thơm man mác, thanh tao của đất nước tươi xanh bốn mùa ngũ cốc xen hoa.

2. Chè Long nhãn – Món chè tinh tế của người Hà Thành

Mỗi độ hè về, tầm tháng 7 tháng 8 trong năm, Hà Nội bắt đầu có nhãn và hạt sen, hai thứ nguyên liệu chính làm nên món chè thanh tao, tinh tế này. Món quà này đã có từ thời xa xưa và chỉ để cung tiến vua mỗi dịp hè về, đến nay, nó trở thành món ăn cho tất cả mọi người như một món chè bình dị, nhưng rất đỗi thanh tao.

Ảnh minh họa/Internet

Nhãn làm chè cần chọn nhãn cùi, tươi ngon, quả to, dày cùi, có vị ngọt thanh. Nhãn được rửa sạch, bóc vỏ, rồi dùng đầu dao nhọn khéo léo tách miệng quả bỏ hạt. Hạt sen được bóc lớp vỏ lụa đen để lộ màu trắng tinh khôi của hạt, dùng đầu tăm khéo chọc bỏ tâm. Hạt sen rửa sạch, cho vào nồi luộc chín vừa độ, hạt bùi, mà không bị nứt vỡ. Cho hạt sen đã chín vào giữa cùi quả nhãn thành nhãn lồng sen. Dùng nước lọc tráng sạch những quả nhãn lồng sen, rồi sắp vào cốc. Nước nấu sen được thêm đường phèn, đường cho ngọt vừa độ, vẫn giữ được hương sen. Nước chè sen để cho nguội rồi đổ vào cốc nhãn sen, khi ăn cho thêm ít đá giã nhỏ, thành một cốc chè sen long nhãn.

Du khách hẳn sẽ vừa lòng với món chè sen long nhãn bởi nước ngon ngọt dịu đường phèn, phảng phất hương sen, vị thơm ngọt, giòn giòn của long nhãn, vị ngầy ngậy, bùi bùi của hạt sen, ăn mát ruột. Chè sen long nhãn có tác dụng an thần, trị được chứng mất ngủ.

3. Chè Hoa cau – Hương vị thanh tao, nồng nàn khó quên

Chè hoa cau là món ngon, có độ ngọt thanh thanh vừa phải. Bát chè sánh mượt, đỗ xanh rải rác, lơ lửng như hoa cau vàng ươm, nhẹ nhàng, tinh khiết. Bát chè thanh tao, phảng phất hương hoa bưởi nồng nàn, quyến rũ tạo nên nét tinh tế trong ẩm thực của người Hà Thành.

Nguyên liệu làm nên món chè khá đơn giản, đạm đà hương vị quê nhà với bột sắn, nước cốt dừa, hoa bưởi, đậu xanh. Thế nhưng, cách chế biến món chè này đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh tế và tài hoa của người nội trợ thì mới có được bát chè hoa cau đúng với hương vị của nó. Đỗ xanh nấu chè phải lựa chọn được loại đỗ hạt tiêu, vàng thơm, chắc hạt. Bột năng cho vào nước, lọc cho bột thật mịn. Khi quấy chè, phải để lửa liu riu, quấy thật đều tay, nước chè sanh sánh là phải ngừng ngay để bột chín tới, không được chín quá già hay chín quá non. Vừa quấy vừa trộn nước chè được nấu với hoa bưởi, đỗ xanh. Nếu quấy quá lửa, món chè sẽ mất đi hương vị tự nhiên của hoa bưởi. Bát chè múc ra phải đạt được độ sánh mượt cần thiết cùng những hạt đỗ xanh đồ chín tới, vàng tươi. Cuối cùng, người ta rưới lên mặt bát chè một chút nước cốt dừa màu trắng đục, để nước dừa quyện vào cái thanh, cái ngọt của vị chè làm mát lòng người thưởng thức. Mỗi bát chè nhỏ xinh với hương thơm nhẹ lan tỏa, cùng đĩa xôi vò vàng thơm, vị bùi bùi. Món chè hoa cau chỉ thưởng thức bằng bát nhỏ để cảm nhận cái hương cái hoa, cái vị thanh ngọt nồng nàn khó quên của món chè. Món chè hoa cau thường được ăn cùng với xôi vò và người Hà Nội thường dùng làm bữa ăn nhẹ vào buổi chiều.

Hình ảnh chị bán hàng rong giữa dòng người tấp nập, ngồi góc phố cổ, tay múc bát chè hoa cau nóng hổi với hương vị nhẹ nhàng mà lan tỏa, với đĩa xôi vò đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội và của mỗi du khách khi đến với thành phố văn hiến này.

Ảnh minh họa/Internet

4. Chè bà cốt – Món quà ngon cho ngày se lạnh

Có lẽ, không ai hay cái tên gọi ‘Chè Bà cốt’ khởi nguồn từ đâu, nhưng từ lâu, món chè ngon hấp dẫn này đã trở thành món ăn quen thuộc với nhiều người. Chè bà cốt là món ăn dân gian, truyền thống, thường được ăn kèm với xôi vò hay xôi đậu xanh, đậm đà thơm ngon mùi gừng cay cay, sánh dẻo của hạt nếp, ngọt thanh thanh của nước chè.

Nguyên liệu chế biến món chè rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ gồm: gạo nếp, đường hoa mai hoặc đường phên và củ gừng. Gạo nếp nấu chè phải là gạo nếp thơm, ngâm trong nước chừng một đến hai giờ cho gạo nở, sau vớt ra để ráo, rồi cho vào nồi, nấu như nấu cháo. Khi nấu, lửa để liu riu cho gạo chín từ từ, hạt không bị vỡ nứt. Gừng chọn nhánh già, chè mới thơm lừng, có vị tê rân rân. Gừng cạo sạch vỏ, giã nhỏ, vắt lấy nước. Đường hòa vào bát nước, đun sôi, rồi lọc bỏ cặn. Khi gạo bắt đầu nở, đổ nước đường vào nấu cùng. Khi chè bắt đầu sánh, hạt gạo đã ngấm đường, đổ nước gừng vào, quấy nhẹ tay.Chè được múc ra bát nhỏ, ăn nóng hay nguội đều được, ăn với một chút xôi vò hay xôi đậu xanh. Dùng thìa xắn miếng xôi nhỏ, nhúng vào bát chè, rồi đưa lên miệng, cảm nhận hương vị thơm mùi gừng, ngon ngọt của chè, dẻo bùi của hạt xôi, vị béo nhưng không ngậy.

Chè bà cốt có vị ngọt thanh, chút cay cay, tê tê của gừng tươi, mang cảm giác ấm áp trong những ngày đông rét mướt.

ATHN/nguoihanoi.com.vn