Chè lam Thạch Xá – “món quà quê” hấp dẫn

Những ngày đầu xuân Quý Mão, không khí sản xuất ở làng nghề chè lam Thạch Xá (huyện Thạch Thất) không tấp nập như đợt trước Tết, nhưng mùa lễ hội cũng là thời điểm người dân nơi đây bận rộn với nghề truyền thống. Chè lam là món ăn bình dân, được chế biến bởi những nguyên liệu thân thuộc từ ruộng đồng quê hương, làm thành một “món quà quê” hấp dẫn.

Chè lam – “món quà quê” của người dân Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Hương Giang

Hương vị đồng quê

Tới làng nghề chè lam Thạch Xá, cảm nhận đầu tiên là không khí rộn rã, tất bật trong mùi thơm của nếp cái rang, của vừng, lạc cùng hương vị ngọt đậm của nồi mạch nha đang sôi. Vào thời điểm đầu năm, du khách về hội chùa Tây Phương đều ấn tượng với những “phong” chè lam cùng tách trà xanh thơm dịu trong khung cảnh làng quê yên bình.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Thạch, xã Thạch Xá, chè lam là “món quà quê” được người làng Thạch làm quanh năm, nhưng sôi động nhất là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán phục vụ cho thị trường Tết và lễ hội. Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình, gia chủ bày lên một vài hộp bánh chè lam thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Vào mùa lễ hội, hầu như các cửa hàng trên địa bàn xã đều bán chè lam cho du khách đến tham quan.

Nghề làm bánh chè lam của người dân Thạch Xá được truyền từ đời này sang đời khác và cũng đã trải qua không ít thăng trầm. Vài chục năm trở lại đây, nghề này đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ và có một chỗ đứng trên thị trường. Chủ tịch Hội Làng nghề bánh chè lam Thạch Xá Nguyễn Trí Thủy cho biết, chè lam được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc như: Bột nếp, gừng, lạc, đường kính, mạch nha… Để có những mẻ chè lam có hương vị riêng biệt, việc chọn nguyên liệu có ý nghĩa quan trọng. Nếp làm chè lam phải là nếp cái hoa vàng, gừng phải chọn củ già, hạt lạc phải chắc, mẩy. Làm chè lam đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng khâu. Chè lam ngon hay không phụ thuộc vào công thức cũng như cảm nhận của đôi bàn tay và đôi mắt tinh tường của người thợ làm bánh…

Với hương vị khác biệt nên dù có rất nhiều loại bánh kẹo khác nhau nhưng nhiều năm qua, chè lam Thạch Xá vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Xá Phạm Anh Tuấn, mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn chè lam, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện nay, chè lam không chỉ được bán trên địa bàn Hà Nội mà nó còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là một số đền, chùa nổi tiếng như: Đền Hùng (Phú Thọ), chùa Ba Vàng, Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… Nhiều hộ dân trên địa bàn Thạch Xá đã làm giàu từ nghề truyền thống quê hương.

Phát huy thương hiệu làng nghề

Từ năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu chè lam Thạch Xá và việc này cũng đánh dấu sự ra đời của Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá. Từ đó đến nay Hội làng nghề đã sử dụng mẫu hộp bánh thống nhất; cam kết cùng nhau xây dựng thương hiệu chè lam trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Thạch, xã Thạch Xá cho biết, để giữ gìn thương hiệu, phát triển thương hiệu làng nghề và đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng, người làm nghề ở Thạch Xá không chỉ giữ gìn cách thức làm chè lam truyền thống mà còn kết hợp thêm nhiều hương vị khác như: Vị gấc, sầu riêng, lá dứa… để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách ở các vùng, miền trên cả nước. Và mỗi du khách khi thưởng thức chè lam Thạch Xá sẽ cảm nhận được một hương vị riêng không lẫn so với các vị chè lam ở nơi khác.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, để phát huy thương hiệu và phát triển làng nghề chè lam Thạch Xá, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá nhãn hiệu tập thể, giáo dục ý thức cho các hộ sản xuất làng nghề bảo vệ, duy trì chất lượng sản phẩm, qua đó phát triển thương hiệu làng nghề. Cùng với đó, Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá cũng cần tiếp tục hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến, vừa bảo đảm chất lượng, tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, an toàn…, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường làng nghề. Các hộ dân làng nghề cần liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu làng nghề trên phạm vi trong và ngoài nước.

Qua những đôi bàn tay khéo léo, kết hợp với nguyên liệu tự nhiên sẵn có của quê hương, người dân Thạch Xá đã tạo ra một món quà mang đậm hương vị làng quê. Có lẽ vì thế, có những lúc thăng trầm nhưng đến nay, chè lam Thạch Xá không chỉ chinh phục mà còn đứng vững ở một thị trường bánh kẹo cạnh tranh như hiện nay. Chè lam đã trở thành đặc sản truyền thống của Thủ đô Hà Nội.

Việc gìn giữ, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống của người dân Thạch Xá cần được nhân rộng tại nhiều làng nghề sản xuất bánh kẹo của Hà Nội như một cách bảo tồn “món quà quê” độc đáo, một nét văn hóa của mỗi địa phương.

Ngọc Quỳnh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/am-thu/828657/che-lam-thach-xa—mon-qua-que-hap-dan