Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập

Hội thảo được tổ chức với 2 hình thức: Trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến kết nối các điểm cầu của các chuyên gia và lãnh đạo Trung tâm Công đoàn ở một số quốc gia trên thế giới.

Ngày 19/8 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập. Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Patuan Samosir – Trưởng ban Tổ chức và Dự án của Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ITUC-AP) đồng chủ trì Hội thảo.

 

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Văn phòng ILO tại Việt Nam và các lãnh đạo từ các trung tâm Công đoàn quốc gia: Đại hội Công đoàn Singapore (NTUC), Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (FKTU), Liên hiệp Công đoàn Thịnh vượng Inđônêxia (KSBSI) và Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO Thụy Điển), cùng 50 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, một số Công đoàn ngành Trung ương và tương đương và LĐLĐ tỉnh/thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đang tập trung chuẩn bị các công việc để triển khai tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, quyết định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới.

Do đó, Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cán bộ Công đoàn các cấp nhận diện đầy đủ hơn về tình hình phong trào công nhân, Công đoàn trong khu vực, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến quy định pháp luật về quyền lao động, quyền Công đoàn trong một số lĩnh vực cụ thể như: Quyền đại diện đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp; vai trò đoàn viên đối với hoạt động công đoàn; sự hình thành Trung tâm Công đoàn quốc gia mới; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và thực tiễn triển khai hoạt động công đoàn, phát triển đoàn viên.

“Đây là nguồn tham khảo hữu ích, có ý nghĩa giúp Công đoàn Việt Nam nghiên cứu nhằm tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập
Đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận chia sẻ thông tin về: Phong trào Công đoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương – những vấn đề lớn đặt ra trong giai đoạn hiện nay; điển hình về hoạt động công đoàn ở một số quốc gia có nhiều hơn 1 tổ chức Công đoàn; quy định pháp luật về thành lập tổ chức và hoạt động công đoàn ở Singapore – sự ra đời và hoạt động của các tổ chức Công đoàn không trực thuộc Đại hội Công đoàn Singapore; quy định pháp luật về hoạt động công đoàn, cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động (về đoàn viên, cơ sở, quyền đại diện thương lượng tập thể…), cơ chế phối hợp giữa các trung tâm Công đoàn và kinh nghiệm thực hiện các Công ước cơ bản về tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Indonesia, Hàn Quốc và Thụy Điển.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Patuan Samosir – Trưởng ban Tổ chức và Dự án của Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ITUC-AP) cho biết: ITUC-AP là tổ chức Công đoàn trong khu vực có 59 tổ chức thành viên ở 34 quốc gia, hiện đại diện cho 60 triệu đoàn viên trong khu vực, trong đó có 25 triệu đoàn viên đóng đoàn phí.

Theo ông Patuan Samosir, phong trào Công đoàn ở khu vực khá tương đồng với phong trào Công đoàn trên thế giới, đó là luôn theo nguyên tắc hướng tới Công đoàn dân chủ và độc lập, để khẳng định vị thế, vai trò tổ chức của mình.

Ông Patuan Samosir cũng nêu lên những thách thức của tổ chức Công đoàn đang phải đối mặt, như: Đại dịch Covid-19 là thách thức quá lớn đối với Công đoàn và lực lượng lao động. Hiện dịch vẫn đang diễn ra ở nhiều nước, khiến quyền Công đoàn bị suy yếu ở nhiều nước, số đoàn viên công đoàn bị giảm sút.

Bên cạnh đó, việc làm phi chính thức, việc làm bấp bênh khá phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn việc làm của người lao động nói chung. Bằng chứng là có hơn 850 triệu người lao động trong khu vực bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa, giãn cách xã hội, người lao động không được hưởng đầy đủ các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, tiền lương thấp; trong đó có tới 89 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc người lao động không được hưởng các quyền lao động cơ bản.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập
Hội thảo trực tuyến kết nối các điểm cầu của các chuyên gia và lãnh đạo Trung tâm Công đoàn ở một số quốc gia trên thế giới.

Cũng theo ông Patuan Samosir: Việc người lao động trong khu vực tham gia vào tổ chức Công đoàn còn thấp (đa số các quốc gia chỉ ghi nhận tỷ lệ đoàn viên tham gia Công đoàn quanh mức 10% hoặc thấp hơn, tại Việt Nam có cao hơn – khoảng 20%) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đại diện, thương lượng, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, việc phát triển, tập hợp đoàn viên những nơi chưa có tổ chức Công đoàn cũng chưa được quan tâm.

Theo đó, ông Patuan Samosir nhấn mạnh: Công đoàn trong khu vực cần tiếp tục chú trọng công tác phát triển đoàn viên, phát huy tinh thần đoàn kết trong khu vực để đấu tranh tập thể vì quyền của người lao động. “Công đoàn các tổ chức thành viên trong khu vực cần tạo ra sự thống nhất, đoàn kết trong đấu tranh và bảo vệ quyền lợi người lao động nói chung. Cần sự đoàn kết, thống nhất để nâng cao vai trò, vị trí Công đoàn, qua đó cùng xây dựng một khế ước xã hội mới.”, ông Patuan Samosir nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm: Khế ước xã hội mới mà đại diện Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trình bày, trong đó nhấn mạnh đến: Việc làm, quyền lợi, lương, bình đẳng bao trùm cho người lao động – đây sẽ là những điều cốt yếu, bổ sung cho Công đoàn chúng ta trong xây dựng nhiệm vụ, hoạt động công đoàn sắp tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến làm rõ, bổ sung nhiều thông tin về điều kiện, thủ tục thành lập một tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật của nước bạn; quyền đại diện thương lượng tập thể và ký kết Thỏa ước lao động tập thể khi có nhiều tổ chức Công đoàn tại một đơn vị và quyền đại diện tham gia các cơ chế ba bên khác; cơ cấu tổ chức theo mô hình công đoàn ngành nghề và các văn phòng tại địa phương; các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của công đoàn; các vấn đề về đoàn phí; công tác phát triển đoàn viên trong bối cảnh có nhiều biến động và xuất hiện nhiều loại hình việc làm mới và quyền gia nhập Công đoàn của người lao động là người nước ngoài…

B.D