Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp

Các chủ tịch Công đoàn cơ sở cần xác định nhiệm vụ, sứ mệnh của tổ chức Công đoàn là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Để làm tốt điều này, cán bộ Công đoàn cơ sở cần phải có kỹ năng, quan tâm tổ chức tốt các hoạt động đối thoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng thương lượng tập thể…

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đã kết luận như trên tại hội nghị tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; kinh nghiệm tập hợp đoàn viên tham gia hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vừa diễn ra mới đây tại Hải Phòng.
Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu phát biểu khai mạc tọa đàm

Tọa đàm là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có từ 1.000 lao động trở lên mà LĐLĐ Thành phố tổ chức trong 3 ngày từ 10- 12/6. Đồng chủ trì hội nghị tọa đàm có Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu; Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc.

Dự tọa đàm có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo, cán bộ các ban, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của LĐLĐ thành phố Hà Nội và Hải Phòng cùng các cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc phát biểu tại tọa đàm

Hiện nay hoạt động của các cấp Công đoàn đang đứng trước những tác động mạnh mẽ của tình hình quốc tế và trong nước, với nhiều thời cơ, thách thức mới. Điều đó đòi hỏi yêu cầu các cấp Công đoàn phải đổi mới, vươn lên khẳng định vị trí, vai trò đối với đoàn viên, người lao động. Và công cụ quan trọng, hiệu quả nhất của tổ chức Công đoàn chính là đối thoại, thương lượng tập thể, từ đó mới thực hiện được tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và tập hợp được người lao động vào tổ chức Công đoàn.

Tại hội nghị tọa đàm các đại biểu Công đoàn cơ sở và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn, tập trung vào một số nội dung như: Kinh nghiệm tập hợp đoàn viên tham gia hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; kinh nghiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đại diện người lao động thương lượng, ký kết tập thể và thỏa ước lao động tập thể.

Bà Phạm Thị Bích Hải – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH TOTO Việt Nam cho biết, tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam, Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thường xuyên quan tâm, tổ chức các hoạt động đối thoại thường kỳ với người lao động, từ đó nắm chắc được mong muốn, nguyện vọng, tháo gỡ ngay lập tức các nút thắt trong quan hệ giữa 2 bên. Chính vì vậy, quan hệ lao động tại Công ty rất ổn định, người lao động hết sức tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.

Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam trao đổi tại tọa đàm

Từ thực tiễn tổ chức thương lượng tại cơ sở, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội Nguyễn Đức Nhân đề xuất, Công đoàn cấp trên cần tăng cường thêm công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở, tập trung vào các nội dung như kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động Công đoàn, nhất là kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể; đồng thời, hỗ trợ Công đoàn cơ sở cập nhật các chế độ, chính sách, các luật mới, đặc biệt là những chính sách mang tính địa phương nhưng tác động trực tiếp đến đời sống cũng như công việc của người lao động tại địa phương, cơ sở đó…

Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ngân hàng Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Bùi Đăng Quỳnh cho biết, với đặc thù ngân hàng việc cạnh tranh về nhân lực cao, số lượng người lao động dịch chuyển lớn. Để giữ chân người lao động, Công đoàn cơ sở đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó có một số nội dung có lợi cho người lao động được Công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công với người sử dụng lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm về đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội trao đổi tại tọa đàm

Điều đó vừa giúp gắn kết Công đoàn với người lao động, vừa nâng cao vị thế, vai trò đối với người sử dụng lao động, đồng thời để người sử dụng lao động thấy các hoạt động của Công đoàn cơ sở luôn hướng đến chăm lo cho người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị tọa đàm, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu khẳng định hội nghị tọa đàm đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Những ý kiến tại buổi tọa đàm là những vấn đề hết sức thực tiễn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động; các chủ tịch Công đoàn giỏi cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động cho cán bộ Công đoàn các cấp để cùng học hỏi, nâng cao kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất, các Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần xác định nhiệm vụ, sứ mệnh của tổ chức Công đoàn là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Để làm tốt điều này thì điều quan trọng là Công đoàn cần phải tổ chức tốt các hoạt động đối thoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thương lượng tập thể. Có vậy, người lao động mới gắn bó với tổ chức Công đoàn đồng thời xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp làm nền tảng cho phát triển sản xuất kinh doanh.

P.Diệp- P.Ngà

https://laodongthudo.vn/chia-se-kinh-nghiem-ve-doi-thoai-thuong-luong-tap-the-tai-doanh-nghiep-141474.html