Chiến sĩ Điện Biên xúc động ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch

Đại tá Nguyễn Thụ cho hay, ông rất vinh dự và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và càng xúc động hơn khi được trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 – nơi trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch.

Sáng 4/5, Thành ủy – Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô.

Thay mặt cho các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chia sẻ tại cuộc gặp mặt, Đại tá Nguyễn Thụ (sinh năm 1933) kể, ông sinh ra tại Bắc Ninh, chưa đầy 16 tuổi (năm 1949), ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.

“Sau một tuần huấn luyện là đi chiến đấu liên tục ở các chiến dịch. Tôi đã tham gia nhiều chiến dịch trong những năm chống thực dân Pháp. Do có thành tích trong chiến đấu, nên năm 1952, khi đó tôi 19 tuổi được chọn đi học sĩ quan tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Vân Nam, Trung Quốc. Tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm chức Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.

Chiến sĩ Điện Biên xúc động ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch
Đại tá Nguyễn Thụ xúc động ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong khi đang làm công tác chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì ngày 26/1/1954, Đại đoàn 308 được lệnh lập tức sang Lào thực hiện Chiến dịch Thượng Lào nhằm giúp nước bạn mở rộng vùng giải phóng và thực hiện nghi binh thu hút địch, đồng thời cô lập không cho địch chi viện từ Lào sang Điện Biên Phủ, buộc chúng chỉ còn một con đường là chi viện cho Điện Biên Phủ bằng đường không. Hoàn thành giải phóng Thượng Lào, ngày 18/2/1954, chúng tôi được lệnh trở về Điện Biên Phủ cùng tham gia chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch”, Đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ.

Nhớ về những ngày tham gia chiến dịch, ông kể: Sau thắng lợi giòn giã ở đợt tiến công thứ nhất; bước sang đợt 2, ngay trong đêm 30/3/1054, ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E. Đêm ấy, ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E; còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa và kéo dài cả tháng trời.

Chiến sĩ Điện Biên xúc động ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch
Các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Đánh đồi A1 chủ yếu là Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308. Trận chiến ác liệt này, mặc dù địch bị tiêu diệt nhiều nhưng cán bộ, chiến sĩ ta cũng hy sinh, tổn thất rất lớn. Trung đội do tôi chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu trên đồi A1 một ngày và gần 2 đêm. Quân số 16, được trang bị là 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, đảm bảo đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số, có 1 máy thông tin 2W.

Thời gian này, Trung đội tôi chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Do tiếng pháo binh ta bắn mãnh liệt vào đồi A1 và pháo binh địch chống trả nên tai chúng tôi điếc đặc, không nghe được gì. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy. Qua chiến đấu, Trung đội tôi chỉ còn 5 đồng chí, còn lại là hy sinh và bị thương. Sau mỗi trận đánh, chúng tôi lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất thì dành cho thương binh khi chưa chuyển về tuyến sau được…

Đại tá Nguyễn Thụ xúc động cho hay, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua 70 năm nhưng ông luôn ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh gian khổ; luôn ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của vị Tổng tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ tài ba – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh.

Chiến sĩ Điện Biên xúc động ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch
Các tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt.

Ông cũng luôn nhớ và tri ân đồng bào Tây Bắc, các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…đã không ngại hy sinh, gian khổ, đùm bọc, giúp đỡ ông và đồng đội trong suốt chiến dịch.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Thụ được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Đến năm 1959, ông được bổ nhiệm Trưởng khoa của 1 khoa giáo viên tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 43 năm công tác trong Quân đội, ông được tặng thưởng 8 huân chương (1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều huân chương khác).

Khi nghỉ hưu, ông được Đảng bộ phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng bộ. Với bản chất, trách nhiệm người lính Cụ Hồ, phát huy truyền thống chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông đã cùng Đảng ủy lãnh đạo phường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng địa phương phát triển. Riêng cá nhân ông, trong 10 năm công tác ở địa phương, đã được các bộ, ngành, đoàn thể của Nhà nước, Thủ đô Hà Nội tặng thưởng 5 huy chương các loại…

Nay đã 91 tuổi, may mắn sức khỏe, trí tuệ còn minh mẫn, vị Đại tá vẫn dành thời gian để sáng tác văn học, viết báo, để lại cho con cháu những tác phẩm về người lính, chiến tranh và cách mạng, để thế hệ sau thấy được có được hòa bình hôm nay, thế hệ cha ông đã đổi cái giá rất đắt, từ đó ra sức học tập, công tác, cống hiến xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp – hòa bình – hạnh phúc.

“Tôi và các đồng chí chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến rất vui mừng và xúc động khi thấy Thành phố có nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân tới các anh hùng liệt sỹ, những người có công với cách mạng nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là buổi gặp mặt rất trang trọng ngày hôm nay”, Đại tá Nguyễn Thụ bày tỏ.

 

Phương Thảo