Chính sách kịp thời “tiếp sức” cho ngành Y tế

Vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết gói ngân sách 250 tỷ đồng để hỗ trợ cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thành phố. Mức hỗ trợ thấp nhất là 5 triệu đồng/người, cao nhất là 10 triệu đồng.

Nguồn hỗ trợ động viên tinh thần

Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố.

Mức hỗ trợ được đề xuất theo công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế. Trong đó, mức 1 là 10 triệu đồng/người; mức 2 là 7 triệu đồng/người; mức 3 là 5 triệu đồng.

Chính sách kịp thời  “tiếp sức” cho ngành Y tế
Bác sĩ Đinh Thế Tiến (Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) thăm, khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Khuê

Theo đó, mức hỗ trợ 10 triệu đồng sẽ dành cho người làm trực tiếp chuyên môn y tế tại các bệnh viện và trung tâm y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm cấp cứu 115, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm. Cụ thể, với người không làm trực tiếp chuyên môn mà làm quản lý hoặc hành chính ở các đơn vị trên dự kiến được hỗ trợ 7 triệu đồng.

Mức hỗ trợ 7 triệu đồng cũng dành cho các cá nhân làm trực tiếp chuyên môn tại Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Người làm quản lý hoặc hành chính nhận mức 5 triệu đồng.

Đối với viên chức, người lao động thuộc các phòng Nghiệp vụ y, Kế hoạch tài chính, Văn phòng trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, mức hỗ trợ dự kiến là 10 triệu đồng. Cán bộ thuộc phòng Nghiệp vụ dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân và Thanh tra Sở được hỗ trợ 7 triệu đồng. Nghị quyết cũng đưa ra mức hỗ trợ 7 triệu đồng với nhân viên y tế thuộc phòng y tế các quận, huyện, thị xã…

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: HĐND thành phố Hà Nội quyết định dành gói ngân sách 250 tỷ để hỗ trợ cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thủ đô. Chính sách này cho thấy, Thành phố đã rất quan tâm động viên tinh thần đến cán bộ y tế ở thời điểm hiện tại, cũng như ghi nhận những đóng góp của nhân viên y tế trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua.

Bác sĩ Tiến khẳng định đây là sự quan tâm kịp thời, là nguồn động viên khích lệ cán bộ, nhân viên y tế gắn bó với ngành, tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Chia sẻ về công việc hàng ngày, bác sĩ Tiến cho biết, mặc dù dịch Covid-19 hiện đã dần được kiểm soát, nhưng công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện vẫn được chú trọng nhằm phòng tránh dịch bùng phát trở lại. Song song với đó, các dịch bệnh theo mùa như: Cúm, tay chân miệng,… nhất là sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh, nên công việc của các y, bác sĩ vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

“Hiện đang là thời gian cao điểm dịch bệnh, nên các cán bộ, nhân viên y tế trong viện đều quay cuồng trong guồng công việc. Thậm chí, đến hôm nay tôi mới biết và cập nhập được thông tin hỗ trợ nhân viên y tế của Thành phố, nên khá bất ngờ và vui mừng. Việc Thành phố hỗ trợ nhân viên y tế thời điểm này sẽ giúp động viên anh em trong công việc, cũng như sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới trong giai đoạn chống dịch tiếp theo”, bác sĩ Tiến bộc bạch.

Cần sớm có những chính sách thiết thực

Ngay khi Nghị quyết dành gói ngân sách 250 tỷ đồng để hỗ trợ nhân viên y tế của Thành phố được thông qua, đa phần các cán bộ, nhân viên y tế đều cho rằng đây là sự quan tâm, động viên kịp thời của Hà Nội với ngành Y tế, tuy nhiên, về lâu dài cần có chính sách căn cơ và bài bản hơn.

Tâm tư khi chia sẻ vấn đề này, bác sĩ Tiến cho biết, Nghị quyết hỗ trợ 1 lần cho nhân viên y tế Thủ đô chỉ mang tính chất tạm thời, chưa giải quyết được vấn đề căn cơ của ngành Y tế. Về lâu dài, những cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi vẫn mong Đảng và Nhà nước, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp hơn trong thời gian tới. “Chúng tôi chỉ mong muốn được xem xét, điều chỉnh chế độ phụ cấp, lương thưởng tương xứng hơn với công sức bỏ ra” – bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, anh Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho hay: HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua chính sách hỗ trợ cán bộ y tế cao nhất 10 triệu đồng, đặc biệt đối với cán bộ y tế làm công tác trực tiếp. Đây là sự động viên lớn, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong giai đoạn khó khăn.

Tuy vậy, đây chỉ là chính sách hỗ trợ trước mắt, không phải là chính sách thường xuyên, liên tục, về lâu dài, điều nhân viên y tế cần là cải thiện thay đổi nâng cao mức lương hàng tháng. Hiện nay, đối với cán bộ, nhân viên y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở phải chịu nhiều áp lực, trong đó có áp lực về thu nhập (lương thấp, không đủ sống) và áp lực về công việc.

“Hiện tại, đối với nhân viên y tế cơ sở vẫn phải thu thập thông tin các F0 hàng ngày, xen kẽ tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh khác thường xuyên. Dân cư đông đúc tối đa chỉ có 10 nhân viên ở 1 trạm, điều đó đồng nghĩa với 1 người phải quản lý vài tổ hoặc vài khu cư dân… (khoảng nghìn hộ gia đình). Thời gian làm việc vẫn phải áp lực… trong khi phụ cấp của nhân viên y tế cơ sở như chúng tôi chỉ được có 40%” – anh Sơn phân tích.

Bởi vậy, theo anh Sơn, trước tình trạng thiếu nhân lực y tế cơ sở như hiện nay, mong muốn Chính phủ, thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ, thu hút lâu dài mới “kéo” được cán bộ y tế về tuyến cơ sở, cũng như tránh tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc.

“Vốn dĩ nhân viên y tế cơ sở đã gồng gánh nhiều đầu việc, khi có người nghỉ và chưa tuyển được người thay thế ngay, thì đương nhiên đồng nghiệp còn lại sẽ phải gánh thêm công việc. Nếu tình trạng đó cứ kéo dài, nhân viên y tế ở lại áp lực dễ nghỉ việc theo… gây thiếu hụt nhân lực rất nguy hiểm” – anh Sơn phân tích thêm.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết: Hơn 2 năm qua đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt, là lực lượng tuyến đầu chống dịch nên nhân viên y tế vô cùng vất vả. Tuy nhiên trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố dành cho ngành Y tế, nên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong ngành vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.

Đặc biệt, việc Thành phố ban hành Nghị quyết hỗ trợ 1 lần cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế Hà Nội cũng là một trong nhiều chủ trương quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Thông qua gói hỗ trợ này sẽ góp phần động viên không chỉ bằng vật chất mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần nhằm khẳng định Đảng, Nhà nước, Thành phố luôn quan tâm ngành Y tế, nhất là y tế cơ sở.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, vấn đề mấu chốt là cơ chế chính sách riêng cho ngành Y tế, nhất là y tế dự phòng phải lâu dài, thường xuyên và liên tục. Mong rằng, trong thời gian tới Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách quan tâm đến cán bộ, viên ngành Y tế như: Chính sách tiền lương, phụ cấp ngành nghề, thâm niên nghề; điều kiện, môi trường làm việc ngày càng được cải thiện hơn… nhất là đối với y tế cơ sở. Từ đó, góp phần tạo cơ chế tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế”, ông Trịnh Tố Tâm bày tỏ quan điểm./.

Minh Khuê