Chỉnh trang đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân

Quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản.

Đây là đề xuất của Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính tại hội thảo Xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô.

Linh hoạt các mô hình quản lý di sản

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, PGS.TS. Đặng Văn Bài nhìn nhận, thành phố Hà Nội đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đô thị di sản. Đó cũng là cơ sở khoa học để xác định không gian/phạm vi của vùng nội đô Hà Nội với 3 bộ phận cấu thành: Nền cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hoá; Quỹ kiến trúc hay cấu trúc đô thị; Di sản văn hoá phi vật thể/lối sống, nếp sống của cư dân đô thị (nét thanh lịch của người Hà Nội).

“Cấu trúc đô thị của Hà Nội có sự hài hòa trong đa dạng, kế thừa có chọn lọc, hòa trộn nhiều hình thái đô thị khác nhau làm nên nét đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đặc trưng nổi bật nhất của đô thị di sản Hà Nội với tư cách là một thành phố sông – hồ”, PGS.TS. Đặng Văn Bài nói.

Chỉnh trang đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân
Toàn cảnh Hội thảo.

PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng, phải tạo thêm các điều kiện để vùng nội đô Hà Nội có thể tiếp tục tồn tại và phát triển mà không bị phai mờ bản sắc, hơn thế còn được tích hợp thêm các giá trị mới cả về vật chất lẫn tinh thần đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong hiện tại, đồng thời còn được chuyển giao cho thế hệ tương lai dưới dạng nguyên gốc tối đa.

Muốn như vậy, phải vận dụng linh hoạt các mô hình quản lý di sản cho phù hợp với từng di tích cụ thể và với từng cấu trúc đô thị riêng biệt trong vùng nội đô Hà Nội. Đồng thời, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hoá đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng nguồn nhân lực đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá chưa tương thích với yêu cầu thực tế đặt ra. Vậy, cần ưu tiên đầu tư công cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực”, ông Bài đề xuất.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng quy hoạch và các dự án đầu tư có sự tích hợp liên ngành, đa mục tiêu mang tính bao trùm, có tầm nhìn và khả năng thích ứng ở nhiều mặt: Thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, thích nghi với cơ chế thị trường, thích nghi với xu thế toàn cầu hoá, khả năng tư duy sáng tạo, có tính đột phá, khác biệt để tìm ra các giải pháp phù hợp phát huy thế mạnh của vùng nội đô Hà Nội…

Quy hoạch cần được ưu tiên thực hiện trước

Theo ông Bài, quy hoạch và dự án bảo tồn cần được ưu tiên thực hiện trước một bước để có thể xác định rõ đối tượng cần ưu tiên đầu tư, các giai đoạn đầu tư, các nguồn vốn có thể huy động đầu tư cho các dự án.

Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hoá từ dạng tài sản văn hoá – tài nguyên du lịch thành loại “hàng hoá đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hoá và kinh tế. Đó là chuỗi các sản phẩm du lịch đặc hữu, tour, tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội.

“Khu di tích lưu niệm Bác Hồ tại phủ Chủ tịch, khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và khu di tích Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn là những ví dụ điển hình cần được lan toả theo hướng bảo tồn gắn với phát triển du lịch và đầu tư liên ngành để có một sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Bài nêu quan điểm.

Cùng quan tâm đến nội dung này, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, với các bài học kinh nghiệm của một số thành phố trên thế giới và của Việt Nam cho thấy công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, giữ gìn, tôn tạo và bảo tồn giá trị các di tích kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình.

Chỉnh trang đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân.

“Cần phải được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình “bảo tồn thích ứng”, nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế – xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nói.

Cần có sự tham gia của người dân

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản, hình thành nên chính sách đặc thù – bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng.

Ông Chính dẫn ví dụ, thành phố Huế là đô thị di sản, hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và là thành phố thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, chính quyền thành phố Huế đã coi trọng công tác chỉnh trang đô thị nhằm bảo vệ, gìn giữ các giá trị cảnh quan của thành phố.

Do điều kiện ngân sách tài chính hạn hẹp, nên một trong những hoạt động chỉnh trang đô thị như xây lát vỉa hè được thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Thành phố đã giúp cho người dân và cộng đồng thấy được lợi ích và diện mạo của đô thị sau khi được chỉnh trang.

Cũng theo ông Chính, các công trình kiến trúc có giá trị cần phải được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình “bảo tồn thích ứng”, người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế – xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Với các công trình kiến trúc thời Pháp trong khu vực nội đô lịch sử dù có công trình chưa được công nhận là di sản nhưng lại có giá trị kiến trúc đặc biệt nên cần xây dựng các quy chế bảo vệ, phát huy…

“Các giá trị lịch sử văn hóa cần tiếp tục được coi trọng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Việc khai thác hợp lý và lâu dài quỹ tài sản đô thị đặc biệt của thành phố Hà Nội sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển”, ông Chính nhấn mạnh.

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/chinh-trang-do-thi-rat-can-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-145464.html