Chợ phiên của ký ức

Những ngày cận Tết, chợ đồ xưa Vạn Phúc bỗng trở nên đông vui lạ thường. Tiếng trò chuyện râm ran hòa lẫn với tiếng cười sảng khoái khi tìm được món đồ yêu thích khiến không khí của khu chợ càng thêm nhộn nhịp. Với những người ưa hoài niệm, đây là địa chỉ giúp họ tìm về một thời đã qua với bao kỷ niệm thân thương…

Gợi lại những ký ức xưa

8 giờ sáng, ông Trần Văn Khoa (Tô Hiệu, Hà Đông) dắt chiếc xe đạp cũ của mình rời nhà, bắt đầu hành trình tới thăm khu chợ đồ xưa Vạn Phúc. Là một người yêu đồ cổ, thích hoài niệm những điều xưa cũ, việc mỗi cuối tuần hay ngày phiên đi chợ đồ xưa đã trở nếp được ông duy trì từ nhiều năm nay. Hà Nội có không ít nơi bán đồ cũ, nhưng khu chợ đồ xưa, đồ cũ mà những người sưu tầm nhắc đến nhiều nhất có lẽ là chợ đồ xưa Vạn Phúc, quận Hà Đông.

Chợ phiên của ký ức
Cửa hàng đĩa của một người yêu thích đài cát- sét cổ.

Vào ngày thường chợ bắt đầu từ 10 giờ, nhưng những ngày chợ phiên, ngày lễ, đặc biệt là cận Tết người bán sẽ bày hàng sớm, bởi đây là thời điểm khách hàng đổ về chợ đông nhất. Khách hàng đến đây chủ yếu là những người luống tuổi và giới sưu tầm. Họ đảo qua nhiều vòng quanh chợ, ngắm nghía kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng sản phẩm rồi mới quyết định chọn mua, ngã giá.

Theo ông Khoa, mỗi tháng chợ chỉ mở sáu phiên, cách nhau 5 ngày từ mùng 5 âm lịch, ngày thường có một số cửa hàng vẫn mở bán nhưng số lượng không nhiều. Trong không gian khoảng gần một héc ta, có hàng chục gian hàng được mở ra. Chợ được chia thành nhiều khu vực riêng, bày bán những loại sản phẩm khác nhau. Có nơi thu hút khách hàng bởi cơ man sản phẩm gốm sứ; lớn bé, nguyên vẹn hay sứt mẻ đều có cả. Tất thảy đều mang những nét hoa văn thể hiện được sản xuất từ rất lâu. Nơi thì ngập tràn các sản phẩm điện tử, từ những chiếc đài cát-sét cho đến những chiếc loa sờn rách, ốp gỗ nâu bóng… Người đam mê đồ xưa đến đây đều khó rời mắt khỏi những đồ vật này, như để tìm lại những ký ức của một thời đã qua.

“Do ít phiên cho nên muốn tìm đồ quý, đồ “độc” thì cần đến từ sớm”, ông Khoa cho hay.

Mặt trời lên cao, nét đặc trưng cũng như sự phong phú về hàng hóa của chợ đồ xưa Vạn Phúc dần hiện rõ. Không còn tiếng í ới dọn hàng, thay vào đó là một vài câu nhận xét, bình phẩm của những khách hàng sành sỏi khiến không khí chợ trở nên trầm lặng hơn. Anh Phạm Văn Điệp – chủ một cửa hàng đồ cổ tại chợ đồ xưa Vạn Phúc cho biết: Vào ngày chợ phiên, người yêu thích đồ cổ đổ về đây để giao lưu, trưng bày hàng hóa rất đông có khi lên đến vài nghìn người. Đặc biệt vào dịp cận Tết, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba và thu hút cả khách du lịch nước ngoài.

“Giá cả các mặt hàng tại đây khá đa dạng, tùy thuộc và chất liệu và tuổi của món đồ. Ví dụ, cửa hàng của tôi có các mặt hàng đồ cổ vài trăm tuổi, đồ thời bao cấp và những món đồ xưa cách đây vài chục năm. Mức giá của các món đồ giao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng tùy món”, anh Điệp chia sẻ.

Lưu truyền giá trị văn hóa, lịch sử

Sau nhiều năm, chợ đồ xưa Vạn Phúc không chỉ là nơi mà những người ưa hoài niệm tìm đến mà còn là địa quen thuộc của nhiều bạn trẻ thích tìm hiểu lịch sử, muốn biết thêm về các thú vui, những món đồ mà cha ông ngày trước đã từng sử dụng. Đồng thời, nhiều bậc phụ huynh cũng lựa chọn dẫn con đến tham quan để chia sẻ, giảng giải cho thế hệ sau lối sống của ông bà ngày xưa.

Chợ phiên của ký ức
Những món đồ cổ có từ xa xưa được nhiều người yêu thích. Ảnh: Lê Thắm

Chia sẻ quan điểm chơi đồ cổ của mình, chị Đinh Thị Lý (Phương Canh, Nam Từ Liêm) cho biết, đây là thú vui vượt trên vấn đề tiền bạc, giúp người chơi “giàu” về kiến thức, các mối quan hệ khi được giao lưu với những người có cùng sở thích, học hỏi nhiều bài học giá trị từ các bậc tiền bối, các nhà nghiên cứu.

Theo ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) việc mở chợ đồ xưa trên địa bàn phường đã tạo thêm nét cổ xưa của làng nghề vốn đã có truyền thống hơn nghìn năm nay bên bờ sông Nhuệ. Cùng với chợ đồ xưa Hoàng Hoa Thám thì chợ đồ xưa Vạn Phúc là địa điểm không thể bỏ qua với du khách sống hoài niệm, thích sưu tầm đồ cổ, đồ cũ…

Đặc biệt, chính giá trị mà mỗi sản phẩm mang lại qua những câu chuyện ẩn sâu trong đó đã giúp chị tìm được ý nghĩa của việc mình đang làm, đó là gìn giữ các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người trẻ có thể hiểu được những gì người xưa để lại. Hiện chị có hai con đang học Tiểu học và Trung học phổ thông, qua thú chơi đồ cổ của mẹ, các cháu cũng được biết và hiểu rõ hơn về các câu chuyện lịch sử, khơi gợi sự đam mê, ham tìm tòi của các cháu đối với những món đồ xưa cũ và gốc tích hình thành nên chúng…

Còn bạn Nguyễn Thảo Hương, sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương cho biết, nhóm bạn của mình thường xuyên đến chợ đồ xưa Vạn Phúc đề tìm mua hoặc ngắm nhìn những món đồ thời bao cấp, qua đó hiểu hơn được đời sống của ông cha một thời. Cũng nhờ những món đồ ấy, các bạn có thể hình dung về những năm tháng mà các bạn chưa từng được trải nghiệm…

Gần 22 giờ chúng tôi rời khỏi khu chợ, ở phía cổng chợ, một nhóm sưu tầm có già, có trẻ đang bình phẩm về một món đồ mà họ vừa tìm được. Chung quanh món đồ, người có tuổi kể lại kỷ niệm cách đây hàng chục năm gắn liền với món đồ. Đám trẻ chống cằm ngồi nghe. Họ cứ say sưa như thế, chẳng để ý chợ đã vãn từ bao giờ…

Lê Thắm