Chợ Tết cổ truyền làng Mọc xưa và nay

Làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là một trong những vùng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cho đến nay. Một trong số đó là phiên chợ Tết ngày 27 tháng Chạp vẫn diễn ra đều đặn hằng năm và rất sầm uất suốt hơn 6 thế kỷ qua.

Theo truyền thuyết, từ thời Đoàn Thượng tướng quân (1181-1228, sau này là Thành hoàng làng Phùng Khoang), ngài là người đã cho mở chợ vào ngày 27 tháng Chạp hằng năm, tạo điều kiện để bà con bán hết nông sản lấy tiền ăn Tết. Bởi ngài quan sát thấy sau ngày 23 tháng Chạp, các chợ trong thành đã đóng cửa nên hàng hóa của bà con quanh vùng không bán hết, trong khi đó lại còn có những người chưa sắm đủ lễ Tết. Phiên chợ chủ yếu bán bánh kẹo của làng Lủ, gạo tám, ớt, ổi làng Định Công, rau củ của làng Láng, cá làng Sét…

2afgngnbth.jpg
Chợ Tết làng Mọc. Ảnh: Trần Văn

Chợ cứ thế tiếp diễn đến ngày 27 tháng Chạp năm 1788 thì mang một ý nghĩa mới. Năm đó, vua Quang Trung dẫn quân ra Bắc, trong thời gian này, nghĩa quân được người dân Kẻ Mọc chăm sóc, bảo vệ và động viên. Giai thoại kể rằng, một người thợ mộc đã hiến kế cho nghĩa quân bện bùi nhùi bằng rơm để đốt trại Khương Thượng. Lính Thanh bị quân của vua Quang Trung bắt ngay tại phiên chợ. Từ đó, phiên chợ còn mang thêm ý nghĩa mới là kỷ niệm cái Tết đặc biệt đại phá quân Thanh mà người dân làng Mọc đã đóng góp một phần nhỏ bé vào đó.

to-he.jpg

Mẹ tôi kể, ngày xưa bà nội và mẹ cũng đi bộ từ làng Lủ (Kim Lũ, Đại Kim, Hoàng Mai) sang làng Mọc (Quan Nhân, Thanh Xuân) để sắm Tết vì chợ làng này to lắm, đủ các thứ hàng. Xưa chỉ là tự cung tự cấp, bà con các làng đến chợ Mọc để trao đổi hàng hóa. Bên làng Lủ (Kim Lũ), Lủ Cầu (Kim Giang), Kim Văn, Định Công… các làng ven sông Tô gồng gánh chè lam, kẹo bột, bánh cốm, ớt, lợn gà… sang rồi lại kĩu kịt sắm về nào chuối, bưởi, cam, quýt, rượu…

Ngày nay, các nẻo đường đến trước đình Quan Nhân, quanh hồ sen trước cửa chùa, tràn sang cả ngách phố Nhân Hòa, đình Cự Chính hàng hóa bày bán đủ loại. Nào chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự… xanh ngắt, đầy đặn mang thế hai bàn tay khum khum dâng kính. Nào cam, quýt, bưởi, bòng, lêkima, thanh long, roi… được bày trước cửa đình, cao chất ngất, hoa mắt vì màu vàng sắc đỏ.

Đằng kia là quả bòng to như vại muối dưa vàng đang độ lên hương thơm nức, thu hút đám thanh niên xúm xít trầm trồ. Ven hồ sen là những gánh mùi già, tỏa hương dìu dịu nhẹ nhàng bên dãy hoa cây cảnh: cúc vạn thọ mượt như gấm, cúc chi xinh xắn như những chiếc cúc áo, cây trạng nguyên xòe lá đỏ rực rỡ xênh xang, hoa mẫu đơn đơm đầy như mâm xôi, hoa bỏng li ti nhũn nhặn… Một góc khác là hàng quà truyền thống của các làng lân cận với bánh dày, bánh rán mật, bánh cốm, bánh đúc, bánh cuốn, chè lam, chè bà cốt… Thu hút đông đảo đám trẻ con là những nghệ nhân nặn tò he đang say sưa nặn những con giống bột hết sức sống động.
Các bà, các mẹ tha hồ ngắm nghía, lựa chọn hàng hóa. Có người đi chợ tới hai ba lần, nhiều nhà dắt díu cả con cháu. Có cả cụ già chống nạng, ngồi xe đẩy cũng cất công đi dạo một vòng.

Nhiều người diện áo dài khăn đóng truyền thống để chơi chợ, sau đó tiện thể rẽ vào đình chùa làng (lúc này đã được trang trí rực rỡ đủ các loại hoa cây cảnh) chụp ảnh, lưu lại giây phút thư giãn hiếm hoi, đáng quý của ngày chợ phiên giáp Tết nơi quê hương bản quán của mình.

Chợ Tết quê ở đây, hoa quả thuần một thứ dân dã, an toàn, giá cả phải chăng, vắng bóng hẳn những thứ ngoại lai, cầu kỳ, đắt đỏ. Kẻ mua người bán thân thiện, thuận mua vừa bán, chỉ cần một cái gật đầu, chậc lưỡi là xong, chứ không có cảnh chặt chém, thách giá lên trời.

Gần nhà Mộc Dục (nơi tắm gội cho Đức Thánh Ông) vọng lại véo von đàn sáo và giọng điệu xẩm chợ, xẩm tàu điện của đội văn nghệ cây nhà lá vườn tạo nên một không gian vừa an bình vừa gần gũi của một vùng nội đô những năm đầu thế kỉ 21./.

ThS. Hoàng Mai Hương

Chợ Tết cổ truyền làng Mọc xưa và nay (nguoihanoi.vn)