Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu tới dự hội nghị. Lãnh đạo huyện Gia Lâm chủ trì và trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ có Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền; Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường; Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền giải đáp các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ |
Tại hội nghị, báo cáo về tình hình CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Xuân Trường cho biết, hiện nay, LĐLĐ huyện Gia Lâm đang quản lý 237 Công đoàn cơ sở với 15.754 đoàn viên.
Năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn tác động tới hoạt động của tổ chức Công đoàn và đời sống, việc làm của CNVCLĐ trên địa bàn. Đó là, do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn rất khó khăn. Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng làm cho các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm công nhân, giảm giờ làm, mất việc làm, thậm chí một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người lao động (NLĐ). Thực tế trên cũng dẫn đến việc thực hiện chế độ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trang bị bảo hộ lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể bị vi phạm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận đoàn viên, NLĐ…
Trước thực tế này, các cấp Công đoàn huyện Gia Lâm đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Đáng chú ý, các cấp Công đoàn huyện luôn chú trọng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ để kịp thời giải quyết nếu có vướng mắc phát sinh, qua đó giữ cho mối quan hệ lao động trên địa bàn huyện đảm bảo hài hòa ổn định.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền và Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể chủ trì hội nghị |
Theo lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm, việc phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm với đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn chính là một trong những hoạt động cụ thể để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, CNVCLĐ. Đây là dịp để các cấp lãnh đạo huyện mà trực tiếp là người đứng đầu chính quyền huyện Gia Lâm nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ từ đó có hướng giải quyết, chỉ đạo giải quyết kịp thời, động viên NLĐ yên tâm lao động, sản xuất gắn bó với doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Trên tinh thần đó, tại hội nghị, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ huyện Gia Lâm đã thẳng thắn nêu 17 lượt ý kiến, kiến nghị đề xuất về các vấn đề như: Chế độ, chính sách dành cho NLĐ, nhất là tiền lương, thu nhập, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; về nhà ở xã hội; trường công lập cho con công nhân lao động (CNLĐ) ngoại tỉnh; về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các khu nhà trọ công nhân nói riêng, trên địa bàn nói chung; các vấn đề về giao thông, vệ sinh môi trường… Toàn bộ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ được Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền tiếp thu, ghi nhận.
Với các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của huyện, Chủ tịch Đặng Thị Huyền đã trực tiếp giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng xem xét, giải quyết khẩn trương. Với những kiến nghị, đề xuất thuộc về cơ chế, chính sách và thẩm quyền của Thành phố, Trung ương, bà Đặng Thị Huyền khẳng định sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất lên cấp trên để giải quyết trong thời gian tới.
Đại biểu nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại hội nghị |
Chẳng hạn, trước phản ánh của CNLĐ Công ty Bao bì, hạt nhựa Tú Phương về việc hiện nay nhu cầu về nhà ở của CNLĐ rất cao, nhưng với mức lương, mức thu nhập của NLĐ còn hạn chế, chưa thể mua được căn hộ riêng cho mình, từ đó công nhân mong lãnh đạo UBND huyện, Thành phố và Trung ương quan tâm chỉ đạo và tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người có thu nhập thấp,bà Đặng Thị Huyền thông tin: Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thành phố trong Chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội do UBND Thành phố ban hành, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát phục vụ lập hồ sơ nghiên cứu triển khai dự án nhà ở xã hội tập trung, địa điểm tại xã Cổ Bi với tổng diện tích khoảng 53,10ha. Bên cạnh đó, tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên trên địa bàn, UBND huyện đều bố trí quỹ đất với diện tích 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định. Các dự án được triển khai sẽ cơ bản đảm bảo nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn huyện cho các đối tượng.
Với thắc mắc của CNLĐ đến từ Công ty TNHH LIXIL Việt Nam về việc con CNLĐ ngoại tỉnh không đáp ứng được điều kiện thi vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập do không có hộ khẩu thường trú nên phải học trường dân lập tốn kém chi phí hoặc quay về nơi thường trú học tập gây khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống gia đình công nhân; bà Đặng Thị Huyền giải đáp: Thành phố quy định việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng của mạng lưới trường, lớp công lập trên địa bàn hiện nay, tuy nhiên việc này cũng dẫn đến một số tồn tại, hạn chế như ý kiến phản ánh của công nhân.
“Trong thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo; các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, đặc biệt là các trường THPT, tham mưu UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động trên địa bàn”- bà Huyền nói.
Đại biểu nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại hội nghị |
Trả lời ý kiến của đại biểu đến từ Trường Mầm non Đình Xuyên đề nghị lãnh đạo huyện báo cáo UBND Thành phố và Chính phủ xem xét, tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non từ 35% lên mức 70% để từng bước đảm bảo cho cuộc sống của người giáo viên mầm non do hiện nay,mức lương của giáo viên mầm non chưa tương xứng với sức lao động, chưa đảm bảo cuộc sống, bà Đặng Thị Huyền cho biết, chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo đã được quy định cụ thể trong các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành, và mức phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non là từ 35%. Thực tế, việc quy định mức phụ cấp nói trên là chưa phù hợp, chưa đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non hiện nay là một nghề cực nhọc, nhiều áp lực.
“Nắm được thực trạng bất cập nói trên, UBND huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị về mức phụ cấp đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non từ 35% lên mức70% của đại biểu là phù hợp, lãnh đạo huyện sẽ tiếp thu và tiếp tục tổng hợp, báo cáo đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ướng sớm xem xét, giải quyết”- bà Đặng Thị Huyền trả lời.
Còn trước băn khoăn của người lao động Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda về tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra Liên ngành gồm: Công an, LĐLĐ, Bảo hiểm xã hội huyện và các đơn vị liên quan tiến hành làm việc trực tiếp tại đơn vị và có báo cáo cụ thể về UBND huyện để xử lý theo quy định.
Quang cảnh hội nghị |
Theo cảm nhận của đoàn viên, CNVCLĐ dự hội nghị, các ý kiến trả lời của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đều cặn kẽ, đáp ứng thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của họ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Gia Lâm luôn quan tâm triển khai thực hiện Quyết định 2200 của Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn. Công tác đối thoại đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện.
“Với tổ chức Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ, đây là lần thứ 2, UBND và LĐLĐ huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với đoàn viên, CNVCLĐ. Thời gian tới đây, UBND và LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức hoạt động này thường xuyên, định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần hoặc sẽ tổ chức đột xuất trong trường hợp cần thiết để qua đó, lãnh đạo huyện lắng nghe, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ”- Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền khẳng định.
Bà Đặng Thị Huyền cũng trân trọng cảm ơn toàn bộ các ý kiến, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ tại hội nghị lần này và cho rằng đây đều là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có trọng tâm, gắn với các vấn đề thực tế, liên quan thiết thân đến đoàn viên, NLĐ. “Với những ý kiến, đề xuất thuộc thẩm quyền của huyện, huyện sẽ quan tâm giải quyết ngay, những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, thẩm quyền cấp trên, huyện sẽ tiếp thu, đề xuất lên cấp trên để giải quyết trong thời gian tới” – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền nhấn mạnh.