Chú trọng xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội

Thời gian qua, tại thị xã Sơn Tây, việc tổ chức, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội trên địa bàn thị xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nếp sống mới trong đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến.

Theo đó, nhằm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thị ủy Sơn Tây đã Ban hành Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21/12/2020 “Phát triển văn hóa – xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”;

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/6/2022 về Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 31/3/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội.

Chú trọng xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Sơn Tây được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thị ủy cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 24/2/2021 về tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022; đồng thời yêu cầu định kỳ báo cáo hằng năm nhằm đánh giá được mặt mạnh, hạn chế, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra.

Hằng năm, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây cũng đều ban hành hướng dẫn, kế hoạch công tác văn hóa – văn nghệ ngay từ đầu năm nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Chỉ đạo tăng cường đầu tư, quan tâm cho sự nghiệp phát triển văn hóa, chú trọng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, khai thác và thu hút mọi nguồn lực, đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong phát triển văn hoá – xã hội, xây dựng người Sơn Tây có nhân cách tốt, lối sống đẹp, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, văn minh.

Nhờ sự chủ động này, việc phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh có nhiều chuyển biến. Chẳng hạn, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và ngày một hoàn thiện phủ khắp các thôn, tổ dân phố. Năm 2021, thị xã có 95,6% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 61/62 tổ dân phố văn; 48/56 thôn văn hóa; 114/118 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá; 3/6 xã có Trung tâm văn hoá. Năm 2022, thị xã đã đầu tư trên 30 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang thiết bị cho 15 khu sân chơi, bãi tập và nâng cấp hệ thống đài truyền thanh thị xã và các xã, phường.

Đáng chú ý, năm 2021 – 2022 thị xã đã xếp hạng 5 di tích cấp Thành phố và nâng cấp xếp hạng 3 di tích cấp Quốc gia; chuẩn bị điều kiện, có văn bản đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Sơn Tây. Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục – thể thao ngày càng đa dạng, thu hút được đông đảo nhân dân thao gia. Công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Theo tìm hiểu, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa song trong quá trình triển khai, thị xã Sơn Tây cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, hiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở xã, phường, thôn, tổ dân phố còn thiếu, chưa đồng bộ; ý thức thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, vệ sinh môi trường của một bộ phận nhân dân còn hạn chế (vẫn còn hiện tượng vứt rác không đúng nơi quy định, vi phạm Luật Giao thông đường bộ…).

Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, đặc biệt là di tích Làng cổ ở Đường Lâm còn nhiều khó khăn, hạn chế; công tác phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Chú trọng xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… trên địa bàn Sơn Tây về cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thời gian tới, bên cạnh việc khắc phục những khó khăn, hạn chế, thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, các đầu tư các thiết chế văn hóa trên địa bàn; hoàn thiện hồ sơ, các điều kiện để đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với một số di tích tiêu biểu; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm để xây dựng, phát triển các mô hình văn hóa, du lịch.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa từ thị xã đến cơ sở; chỉ đạo triển khai các kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động của Thị ủy trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội.

Quan tâm bố trí nguồn lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực; có giải pháp huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển văn hóa – xã hội.

Đặc biệt, Thị xã sẽ chú trọng xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên hướng phát triển văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/chu-trong-xay-dung-van-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-145228.html