Tối mùng 6 Tết Giáp Thìn (15/2/2024) tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội), Huyện ủy, UBND huyện, Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024.
Đến dự Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 có các đại biểu Trung ương: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam…
Đại biểu Thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HDND Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hà Nội. Dự sự kiện còn có đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân.
Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị, cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 – 43 sau Công Nguyên.
Hàng năm, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh mở hội chính từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10 tháng Giêng, là ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, đất nước ta trải qua hàng ngàn năm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Dưới triều đại nhà Hán, chúng chia nước ta làm ba Quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Dưới Quận là các Huyện, lập nên một hệ thống hành chính để dễ cai trị.
Huyện Mê Linh thời Hán thuộc bộ Văn Lang, là địa bàn cư trú của các lạc Hầu, lạc Tướng dòng dõi vua Hùng. Với chính sách bóc lột vô cùng tàn bạo, hà khắc của Quân Đông Hán, Nhân dân ta đã phải trải qua nhiều năm sống lầm than, cực khổ.
Không cam chịu và khuất phục trước chế độ cai trị tàn bạo của nhà Đông Hán; nợ nước, thù nhà; năm 40 sau công nguyên, trên mảnh đất Mê Linh lịch sử, Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng Nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc Đông Hán, giành độc lập cho dân tộc.
Được sự hưởng ứng của Lạc Hầu, Lạc Tướng và Nhân dân khắp 65 Huyện thành, chỉ trong thời gian ngắn, với khí thế sôi sục, mạnh mẽ như nước vỡ bờ, Hai Bà Trưng đã lãnh đạo Nhân dân cả nước đánh đuổi quân Tô Định ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, chấm dứt chế độ đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng xưng vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước.
“…Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”
Đó cũng là lời tuyên bố hùng hồn: Nước Nam là của người dân nước Nam, do người dân nước Nam cai quản. Hai Bà Trưng đã trở thành vị vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ vương đầu tiên trên thế giới; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hai vị nữ anh hùng dân tộc, Nhân dân Mê Linh đã lập Đền thờ; hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa; Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh tổ chức tế lễ và kỷ niệm để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà Trưng, kính mong Hai Bà luôn phù hộ độ trì cho Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2021, Thành phố, công nhận là điểm đến du lịch. Những năm qua; được sự quan tâm, đầu tư¬ của các cấp, các ngành và Nhân dân cả nước, khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng được trùng tu, tôn tạo, bổ sung, hoàn thiện nhiều hạng mục, công trình ngày càng khang trang, trường kỳ với thời gian, là một công trình Văn hóa tâm linh, Di tích Lịch sử – Văn hóa – Cách mạng đặc sắc; điểm đến du lịch, giáo dục, không gian văn hoá truyền thống của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố, hiện nay huyện Mê Linh khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện Dự án: Mở rộng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục của Di tích với diện tích khoảng 30 ha; tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng và thời gian thực hiện 3 năm (từ năm 2024 đến năm 2026).
Để có được Di tích văn hoá tâm linh quý giá; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; sự chỉ đạo của Thành uỷ – HĐND – UBND Thành phố Hà Nội; của Tỉnh Vĩnh Phúc; các Sở, Ban, Ngành Thành phố và công đức của Nhân dân cả nước. Kính mong trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước; của Bộ, Ban, Ngành Trung ương, của thành Phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Nhân dân cả nước để Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng sớm được thực hiện và hoàn thành đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
“Trong không khí linh thiêng của buổi Lễ ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh xin nguyện: Đoàn kết một lòng, động viên Nhân dân đóng góp xây dựng; cùng chung sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy thật tốt giá trị di tích Quốc gia đặc biệt mà được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đã giao cho huyện Mê Linh thờ phụng, quản lý và bảo vệ”, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, nhấn mạnh.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang Mê Linh” đã diễn ra. Đây là một chương trình nghệ thuật trình diễn lần đầu tiên được huyện Mê Linh tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” bằng công nghệ 3D mapping tái hiện lịch sử oanh liệt thời kỳ Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng.
(Tạp chí Người Hà Nội sẽ cập nhật chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” bằng công nghệ 3D mapping ở bài viết tiếp theo)./.
Hải Truyền- Phạm Quỳnh