Chung sức giữ môi trường sạch, đẹp

– Nhiều năm qua, việc cải tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp ở các khu dân cư của Thủ đô thu hút ngày càng nhiều người cao tuổi tham gia. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà nhặt rác nơi đầu làng, cuối phố, trồng cây… không còn xa lạ với nhiều người dân. Việc chung sức tham gia giữ vệ sinh môi trường của người cao tuổi đang là tấm gương sáng góp phần nâng cao ý thức của người dân và con, cháu học tập, noi theo.

Người cao tuổi phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) chăm sóc tuyến đường hoa.

Tuổi cao, gương sáng

Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe không còn như xưa nhưng nhiều năm qua, đều đặn vào tầm 5 giờ sáng mỗi ngày, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá La Văn Cầu (phường Quang Trung, quận Đống Đa) lại thức dậy, quét dọn từ nhà mình ra ngoài ngõ phố và thu gom rác vứt bừa bãi đổ đúng nơi quy định. Việc làm của ông đã thúc đẩy nhiều người xung quanh tự giác ra làm cùng và dần trở thành nếp.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quang Trung (quận Đống Đa) Phạm Tuấn Minh cho biết: “Việc làm của Anh hùng La Văn Cầu đã thể hiện tuổi cao, gương sáng, có tác động rất lớn trong giáo dục ý thức cho lớp trẻ và người dân về công tác giữ vệ sinh môi trường để khu dân cư ngày càng xanh, sạch, đẹp”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Luân, ở thôn Văn La, xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) vẫn giữ thói quen thường xuyên có mặt ở các bến sông, khu vực công cộng trên địa bàn để quét, nhặt rác. Không những thế, bà còn trực tiếp đến các gia đình nhắc nhở mọi người cùng chung tay phân loại rác trước khi bỏ vào thùng, đổ rác đúng giờ, quét dọn các tuyến đường…, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Còn tại phường Liễu Giai (quận Ba Đình), nhiều năm trước đây con đường nối từ ngõ 218C phố Đội Cấn sang ngõ 6 phố Vạn Bảo thuộc tổ dân phố số 10 từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, nơi đây đã trở thành vườn hoa khoe sắc. Có được sự đổi thay này là nhờ người cao tuổi đã tích cực cùng lãnh đạo tổ dân phố tuyên truyền, vận động con em mình và nhân dân chung tay cải tạo. “Trước tiên, chúng tôi vận động cả ngõ phố cùng dọn vệ sinh, trả lại mặt bằng sạch. Sau đó, Chi hội phụ nữ với nòng cốt là hội viên cao tuổi trồng hoa và cải tạo những mảng tường bong tróc thành bức tranh tường đẹp mắt”, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 Nguyễn Văn Thúy chia sẻ.

Tích cực đi đầu trong mọi hoạt động

Với vai trò và uy tín của mình, được sự tín nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, người cao tuổi ở các địa phương luôn tích cực đi đầu trong mọi hoạt động, nhất là việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Chỉ trong năm 2021, người cao tuổi tại các địa phương đã hiến 26.627m2 đất, 106.563 ngày công, ủng hộ hơn 10,8 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; trồng được 269.989 cây xanh. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội còn tích cực tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, giữ gìn trật tự đô thị.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết: “Toàn thành phố có 987.897 hội viên, trong đó có hơn 86.000 hội viên dưới 60 tuổi. Phát huy vai trò, tiềm năng của hội viên, thời gian tới, các cấp Hội Người cao tuổi thành phố sẽ chú trọng hoạt động hướng về cơ sở. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến việc phát huy vai trò người cao tuổi trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, xây dựng nếp sống văn minh”.

Là quận đã phát huy được vai trò của người cao tuổi trong xây dựng đô thị văn minh bằng nhiều việc làm thiết thực, Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Thanh Xuân Bùi Thị Thu Én cho biết: “Sức khỏe không còn tốt nên chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các phần việc nhẹ nhàng như quét dọn đường phố, vẽ tranh tường tạo cảnh quan môi trường tươi mới. Với những việc đó, chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi được nhận thức của nhiều người trong nếp ăn, nếp ở”.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Thanh Oai Lưu Thị Hoa chia sẻ, cùng với các tổ chức đoàn thể khác của huyện, người cao tuổi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và gương mẫu trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường để địa phương sạch đẹp.

Những việc làm thiết thực của người cao tuổi trong tham gia bảo vệ môi trường sống là cách tuyên truyền thiết thực và có tác động lớn nhằm nâng cao ý thức của người dân. Qua đây, người cao tuổi tiếp tục phát huy vai trò “cây cao bóng cả” trong sự nghiệp phát triển của địa phương và Thủ đô, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Hiền Phương

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/826291/chung-suc-giu-moi-truong-sach-dep