Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,9%
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình 08, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội luôn chủ động đề xuất, tham mưu Thành ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo, đôn đốc, triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Kết quả, đến nay đã có 20/27 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát. |
Cụ thể, đối với 12 chỉ tiêu do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành 11/12 chỉ tiêu. Chỉ còn 1 chỉ tiêu về tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng (đạt 78,41% kế hoạch) phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Các chỉ tiêu do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện 1/5 chỉ tiêu hoàn thành (tỷ lệ học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí); 4/5 chỉ tiêu còn lại do Bảo hiểm xã hội Thành phố chủ trì đến nay đều đạt trên 90%.
Công tác lao động, người có công, xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2021 – 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo được 720.493/675.000 lượt người, vượt 6,7% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu Thành phố lựa chọn 2/4 trường để tập trung đầu tư, hỗ trợ trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chí tại Quyết định số 761/QĐ-TTg của Chính phủ (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội); triển khai tích cực công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Kết quả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức như: Tiếp nhận học viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo; hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo…
Sở cũng quan tâm hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã đưa 11.959 người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc; tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, online, lồng ghép, chuyên đề… từ năm 2021- 2023, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 681 phiên giao dịch việc làm với 20.226 doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động với 404.967 chỉ tiêu; số lao động được tuyển tại các phiên là 48.308 người.
Trưởng ban Kinh tế – Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình – thành viên đoàn giám sát trao đổi tại buổi làm việc. |
Đáng chú ý, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo; tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững (các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ nghèo; hỗ trợ học phí học sinh hộ cận nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế…). Xây dựng phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; hướng dẫn, lan tỏa các giải pháp giảm nghèo hiệu quả… Kết quả, năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 0,03% (tương đương 690 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,99% (tương đương 22.263 hộ cận nghèo); có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo; 5 quận không còn hộ cận nghèo.
Ngoài ra, Sở cũng tham mưu Thành phố ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện việc mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; trợ giúp cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro. Trong đó, đặc biệt là Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, ngày 23/9/2021 đã mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Thành phố (bổ sung 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 7 nhóm đối tượng được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố, đồng thời nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 440.000 đồng (hệ số 1). Kết quả, đã có 2.907.969 lượt đối tượng được hỗ trợ, với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng.
Xác định giải pháp quyết liệt để thực hiện những chỉ tiêu chưa đạt
Tại Hội nghị, thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, đánh giá, ghi nhận những kết quả nổi bật của Sở trong tham mưu, thực hiện các chỉ tiêu Chương trình số 08; đồng thời định hướng một số giải pháp trong thời gian tới để Sở tiếp tục tham mưu, triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08 Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình số 08 là chương trình rất quan trọng, đích đến là an sinh xã hội cho cuộc sống của nhân dân. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực đã có nhiều giải pháp, cách làm khoa học, sáng tạo, hiệu quả.
Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin tại buổi làm việc về một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm. |
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đánh giá cao vai trò thường trực Ban Chỉ đạo của Sở trong tham mưu kế hoạch, phân công phân nhiệm, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo theo quy chế; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân. Kết quả đạt được đến nay Chương trình đã hoàn thành 20/27 chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, trong đó có một số chỉ tiêu vượt trước thời hạn, đặc biệt là chỉ tiêu giảm nghèo đạt kết quả tốt; tham mưu xây dựng và triển khai được nhiều cơ chế chính sách có lợi cho người dân như phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy… được dư luận và nhân dân đánh giá cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội nhìn nhận rõ một số tồn tại hạn chế; đánh giá kỹ về những kết quả đạt được, từ đó xác định những giải pháp quyết liệt để thực hiện những chỉ tiêu còn chưa đạt.
Với quan điểm xuyên suốt là an sinh xã hội không có điểm dừng, không bằng lòng với kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ nội dung chương trình trong các cấp, ngành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ, nhân dân. Trong đó, cần tập trung vào các chỉ tiêu còn khó khăn, phấn đấu chất lượng chỉ tiêu đạt được phải tốt hơn, cao hơn. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa trong thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu với cách làm sáng tạo, hiệu quả, thực chất, nghiên cứu để có những dấu qua từng năm, đặc biệt là nhân các ngày lễ lớn như năm 2024 kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với mục đích xuyên suốt là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.