Chuyện bếp núc một thời

Bây giờ, người dân ở thành phố cũng như nhiều vùng nông thôn đã dùng bếp từ, bếp ga để nấu nướng hằng ngày. Nhưng ký ức về bếp củi, bếp dầu gắn bó với mọi gia đình một thời gian khó có lẽ sẽ theo người ta đến suốt cuộc đời…

 

Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu

Một hôm, đám bạn học cũ, nay đều đã ở tuổi ông bà, rủ nhau đi chơi xa. Buổi tối ngồi bên nhau, có ánh lửa bập bùng và vị thơm ngai ngái, nồng ấm của củi khô, câu chuyện của chúng tôi lại quay trở về cái thuở trong veo.

Ngày ấy, đi học về là đứa nào đứa nấy lao ngay vào bếp nấu cơm cho nhanh, chiều phụ giúp gia đình bóc vỏ lạc, đập vỏ hạt trẩu lấy nhân cho nhà máy ép dầu… Ở nơi sơ tán, chúng tôi đun bếp bằng rơm rạ, lá tre, lá sắn, tàu chuối già đã phơi nỏ. Trở về thành phố lại nấu bằng củi phân phối theo phiếu chất đốt. Hằng tháng, mỗi gia đình được mua 10kg củi. Chừng ấy làm sao đủ cho 30 ngày nấu cơm và các nhu cầu sinh hoạt khác?

Vậy là cái bếp lò bằng sắt tây nhồi mùn cưa ra đời. Cái lò có đường kính khoảng 30cm, ở giữa đặt một chai thủy tinh nhỏ rồi nhồi mùn cưa chặt đến miệng. Khi rút chai ra, khoảng rỗng sẽ hút không khí từ cửa lò lên và chỉ việc nhóm mồi cho mùn cưa bắt lửa. Thế mà đôi tay tuổi 11 của tôi nhồi mùn cưa không chặt, lò bị sụt, mùn cưa rơi lả tả theo chai thủy tinh khi rút ra khiến tôi khóc dở mếu dở. Hôm nào mùn cưa ẩm thì nước mắt nước mũi thi nhau giàn giụa mà lò chả buồn cháy. Mẹ thương tôi, vỡ đám đất hoang trước dãy nhà bốn tầng, gieo hạt điền thanh. Mấy tháng sau đã có thân cây làm củi. Ba nửa viên gạch vỡ là đủ làm ông đầu rau bắc nồi nấu cơm, chả cần kiềng sắt.

Một dụng cụ không thể thiếu trong mỗi gia đình lúc bấy giờ là dao rựa to bản để chặt và chẻ củi. Nhà nào cũng phải sắm con dao rựa thật sắc. Ngoài việc chẻ củi được phân phối theo phiếu chất đốt thì còn để chẻ những vật dụng đã cũ, hỏng như chạn, ghế đẩu… Các làng quê ở vùng bán sơn địa lại càng cần dao rựa để trẻ con một buổi đi học, một buổi kiếm củi cho cả gia đình chống rét mùa đông và nấu bếp hằng ngày.

Còn ở đồng bằng, dao rựa cần nhất cho việc chẻ gộc tre, chặt cành cây bị sâu đục làm củi. Nhớ dáng ông tôi lui cui bổ gộc tre chống rét. Trấu đổ quanh gộc tre giúp lửa cháy đượm và thơm. Những hôm tát ao, bắt được nhiều cá đồng béo múp đầu, vẩy vàng óng ánh, bác tôi kho cá với tương, ớt, riềng bằng cách vùi nồi đất xuống tro bếp, rắc trấu xung quanh, mồi cho lửa than trấu âm ỉ cháy, om cá cả đêm. Nồi cá om ấy đúng là đặc sản của đồng quê.

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, các gia đình công nhân, viên chức ở nội thành chuyển từ bếp đun củi sang bếp dầu. Bếp rất đơn giản với bình dầu chứa 1 lít dầu hỏa, 6 bấc hút dầu lên mặt bình; nút vặn bấc điều chỉnh lửa to – nhỏ; ba trụ sắt tròn nhỏ, đường kính 0,5cm gắn vào ba góc bình để đặt nồi. Đơn sơ vậy nhưng bếp dầu đã giúp các bà nội trợ nấu nướng đỡ vất vả hơn. Sau này, bếp dầu được cải tiến thành 9 bấc, rồi 12, 16 bấc, có nắp tròn úp xuống thân bếp để giữ nhiệt… Đẹp nhất là bếp dầu Thăng Long hình tròn, có lớp tráng men màu ngọc, bình chứa được 2 – 3 lít dầu. Dầu hỏa cũng phải xếp hàng mua theo phiếu chất đốt. Khổ nhất là mua phải dầu hỏa chất lượng kém. Dầu có màu vàng nhạt, khi đun dễ bị thối bấc. Thế nên nhà nào cũng phải có một bộ bấc dự trữ, nếu bấc không cháy là thay ngay kẻo cơm sống. Những gia đình đông con hoặc có nghề nấu ăn, làm bún, phở, bánh… vẫn duy trì lò than quả bàng cho rẻ và tiện.

Chiếc bếp dầu thân quen thời bao cấp.

Bếp dầu là một bước cải tiến kỹ thuật so với bếp củi và tiện lợi cho việc nội trợ. Tôi có thể vừa nấu cơm vừa ôm cuốn truyện yêu thích ra đọc trong khi chờ cơm sôi. Có hôm mải đọc, suýt làm cháy chảo đậu rán. Đến thời sinh viên, giai thoại “tình yêu bếp dầu” là có thật ở một số ký túc xá. Nhà bếp phục vụ đám sinh viên thường quá tải. Một số nữ sinh có sáng kiến kiếm bếp dầu mang về phòng, tự nấu nướng, cải thiện bữa ăn. Một ngày, chàng của nàng xuất hiện và ăn cùng. Ri đô được kéo ra cho kín đáo. Ôi chao, “tình yêu bếp dầu” nên thơ một thời gian khó như thế. Mãi đến những năm cuối của thế kỷ XX, bếp ga dần thay thế bếp dầu, rồi bếp điện từ thay thế bếp ga… Công việc bếp núc mới bắt đầu trở nên nhàn nhã, sạch sẽ hơn.

Chiều nay, ngó mưa đầu hạ sầm sập, tôi lại ước có củi để rang nắm ngô trên chảo gang. Hoa ngô nở đều, trộn mật mía thật nhanh tay rồi đổ ra sàng. Với chúng tôi, thế hệ đội mũ rơm đi học, ăn ngô khoai sắn thay cơm, bếp lửa đã gắn với vai áo nâu bạc của bà mỗi sớm mỗi chiều, như nhà thơ Bằng Việt đã viết: “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ/ Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”…

Phạm Kim Thanh

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/826820/chuyen-bep-nuc-mot-thoi