Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, qua các kỳ Đại hội đều nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa; đều có chương trình hành động, giúp chuyến biến mạnh mẽ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài

Với vị thế là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; các giá trị văn hóa của Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến là hội tụ, kết tinh và lan tỏa; trở thành nguồn lực quan trọng để Hà Nội trở thành tiêu biểu cho cả nước và khu vực.

Đứng trước những đòi hỏi từ thực tiễn, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới.

Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiều nhiệm kỳ, xác định đây là 1 trong 3 nội hàm quan trọng trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, văn minh.

Đặc biệt, mới đây, ngày 19/2/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị được Thành ủy Hà Nội xác định là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Chỉ thị đã thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để phân tích, chỉ ra những điểm còn hạn chế, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Với việc nhận thức ngày càng toàn diện, sâu sắc về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ qua. Theo tôi, đây là một hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội – mảnh đất là trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi giữ nhịp đập, điều tiết cho sự phát triển chung của đất nước.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hoà bình, để rồi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Như vậy, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô, cũng như để người Hà Nội trở thành những tấm gương sáng, đẹp đẽ nhất, đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam”.

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đề cao vai trò người đứng đầu

Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, Thành phố đã tập trung, ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển con người. Đặc biệt năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội).

Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Cán bộ công chức, đoàn viên phường Quán Thánh, Ba Đình hỗ trợ nhân dân thực hiện thủ tục hành chính.

Với mong muốn, cán bộ, công chức của Hà Nội là người đi đầu, gương mẫu thực hiện quy định Thành phố, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành theo Quyết định 522/QĐ-UBND ngày 25/1/2017 ra đời trong hoàn cảnh đó. Đối tượng áp dụng của Quy tắc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Quy tắc gồm 4 chương, 11 Điều, quy định mục đích, đối tượng, phạm vi; quy tắc ứng xử chung, ứng xử với người dân.

Tiếp đó, năm 2019, với mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử, chuẩn mực giải quyết công việc với người dân và tổ chức, gương mẫu trong gia đình và tổ chức góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội, Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT ngày 19/6/2019 về tổ chức thực hiện Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

TS Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đánh giá: “Tôi cho đây là một cố gắng rất lớn của ngành Văn hóa Thủ đô nói riêng và toàn ban ngành của thành phố Hà Nội nói chung. Không ai có thể làm ra một bộ quy tắc bao trùm hết các tình huống, các đối tượng… để ứng xử.

Xã hội hiện đại có quá nhiều các tình huống khác nhau, quá nhiều các hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn ứng xử trong các cơ quan làm việc, khi tham gia giao thông phải như thế nào, ứng xử tại các nơi công cộng ra sao…

Bộ quy tắc ứng xử không phải là luật, nhưng nó khuyên mọi người nên ứng xử như thế nào trong những tình huống khác nhau để hài hoà với nhau. Nếu có ai nói tại sao Thủ đô lại khắt khe khi xây dựng bộ quy tắc như thế, tôi cho rằng, sự khắt khe ấy là cần thiết để giữ gìn văn hóa truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bộ quy tắc thoả mãn nhu cầu cần thiết của người dân. Người dân mong muốn có bộ quy tắc này như là một chuẩn mực ứng xử giao tiếp. Đa phần người dân đều cảm thấy khó chịu khi ứng xử không có chuẩn mực ở mọi ngành lĩnh vực, trong cơ quan, ra ngoài đường hay về nhà… Vậy cho nên, hai bộ quy tắc là thể hiện một sự cố gắng rất lớn của ngành Văn hóa Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thực tế cần thiết của đời sống hiện đại”.

Qua hơn 6 năm, việc thực hiện các Quy tắc ứng xử và 4 năm thực hiện Phong trào đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện; định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội. Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thông qua việc triển khai Quy tắc, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, nhiều gương cá nhân/tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện Quy tắc ứng xử, được Ủy ban nhân dân Thành phố và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.

Việc thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử và phong trào trên nhằm tiếp tục thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trong đó, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đây cũng chính là nhiệm vụ cốt lõi trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành.

Phương Bùi