Chuyển đổi số hiệu quả, tạo “sức bật” để Thủ đô phát triển

Với sự quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện công tác chuyển đổi số, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, qua quá trình triển khai Nghị quyết đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.

Chuyển đổi số hiệu quả, tạo “sức bật” để Thủ đô phát triển
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính giúp phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số của Thành phố bước đầu đạt một số kết quả. Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án số 06 trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.

Từ việc thực hiện chuyển đổi số đã tạo nên sự thay đổi tích cực ở không chỉ riêng khu vực nội thành mà cả vùng ven đô, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Ở các làng quê đã hình thành mô hình thôn, xóm thông minh. Điển hình, các con đường dẫn vào thôn Vân Sa 1 (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) cơ sở hạ tầng ngày càng được khang trang; hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lắp đặt đi sâu vào từng con ngõ; wifi phủ sóng toàn thôn, hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản… mới thấy rõ con đường “số hóa” đã và đang đi vào trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân thôn Vân Sa 1 quen với việc nhận thông tin từ chính quyền xã, huyện; thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử thông qua chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn. Người dân nơi đây, tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên, gần gũi.

Tự hào về sự đổi thay này, bà Phạm Thị Thủy – Bí thư Chi bộ thôn Vân Sa 1 xã Tản Hồng cho biết: “Đây là kết quả từ sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể người dân trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình thôn thông minh sẽ đem lại sự thuận lợi cho người dân. Khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước”.

Mô hình thôn thông minh cùng đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân tại thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng), giúp cho người dân trong sinh hoạt, đời sống và giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn. Ghi nhận tại thôn Tháp Thượng, đường làng, ngõ xóm, sáng xanh, sạch, đẹp; các bảng quét mã QR hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực… được treo ở nhà văn hóa, điểm công cộng, một số con ngõ trong thôn với cách thức thực hiện thuận lợi.

Các camera được lắp ở những vị trí trọng yếu và trước cửa nhà các hộ dân, giúp giám sát an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với những ích lợi từ công nghệ số, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng đã thành lập trang fanpage “Nông sản sạch Song Phượng”, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, như kẹo lạc, nấm, bưởi Diễn với gần 100 nông dân trên địa bàn xã tham gia.

Ngoài ra, xã đã hướng dẫn các thôn thành lập nhóm Zalo của thôn do trưởng thôn làm trưởng nhóm, thành viên là các tổ trưởng tổ tự quản; thành lập nhóm Zalo tự quản do tổ trưởng tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là các gia đình trong tổ. Từ khi có các nhóm Zalo này, thông tin tương tác hai chiều từ thôn, xã tới dân và từ dân tới thôn, xã được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những thay đổi tích cực nhờ thực hiện đồng bộ chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã đem đến những thay đổi trên 3 trụ cột: Chính quyền số – kinh tế số – xã hội số.

Lan tỏa chuyển đổi số tới từng người dân

Bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Hà Nội còn một số hạn chế như: Dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số cơ quan của Thành phố còn hạn chế. Việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội và nhiệm vụ của Thành phố.

Chuyển đổi số hiệu quả, tạo “sức bật” để Thủ đô phát triển
Vùng ngoại thành Hà Nội đã có những thay đổi tích cực, đem lại sự hài lòng cho nhân dân.

Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh còn những hạn chế, bất cập và chưa thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố, giữa thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước, giữa thành phố với Trung ương còn chưa chặt chẽ, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Hà Nội đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế – xã hội.

Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả đồng bộ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho rằng những người làm công tác chuyển đổi số phải tiên phong, quyết tâm trong thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, cách làm,

Ba việc có thể làm ngay trong chuyển đổi số đó là số hóa; kết nối, chia sẻ; lựa chọn công nghệ. Điều kiện cho chuyển đổi số là “3 có; 4 không”, trong đó 3 có là: Nhân lực số; hạ tầng, thiết bị kết nối trung tâm dữ liệu; hành lang pháp lý; 4 không là: Xử lý không giấy tờ; không gặp mặt: Thủ tục không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, phương châm hành động chuyển đổi số của Thành phố là 7 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ; tầm nhìn dài hạn; tư duy sáng tạo; giải pháp thông minh; hành động quyết liệt; kết quả thực chất; phục vụ nhân dân.

Đặc biệt thực hiện chuyển đổi số, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Lãnh đạo các đơn vị thực hiện chuyển đổi số không chỉ cần chọn đúng người mà cần trao niềm tin, điểm tựa cũng như đánh giá chất lượng qua sản phẩm cụ thể. Để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, đối với các cán bộ tham gia quá trình chuyển đổi số, cần truyền cảm hứng tới toàn bộ người dân, sao cho ai cũng biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa.

N.Hoa