Chuyện kể bên dòng Đại Lan

Sông Hồng chảy vào Việt Nam, từ Hà Khẩu, Lào Cai đến cửa Ba Lạt, Nam Định dài 556km. Dòng sông thân thuộc có nhiều tên gọi, gắn với những vùng đất mà sông chảy qua.

untitled-2.jpg

Sông Hồng từ Lào Cai đến Việt Trì có tên sông Thao; từ Việt Trì đến Hà Nội gọi là sông Bạch Hạc. Từ nội thành Hà Nội về xuôi, sông Hồng lần lượt có tên Đại Lan, nay thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì; Thiên Mạc và Mạn Trù, vì sông qua hai địa danh này thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Hai đoạn sông này, sử cũ còn gọi là sông Lô và Phú Lương.

Sông Đại Lan – một đoạn của sông Cái (sông Mẹ) là vùng cửa sông của thành Thăng Long xưa. Từ cảng Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), bờ sông rộng dần, qua vụng Nhót (còn gọi vụng Tranh) đến xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì sông nhỏ dần. Đứng từ đê Đông Trạch, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì nhìn sang xã Phụng Công huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên lòng sông ngày xưa rộng khoảng 5km. Đây là đoạn sông nước cả sóng to thường gây nguy hiểm cho tàu thuyền trước khi vào Thăng Long. Dân gian có câu: “Vụng Tranh gành Vạn”. Tại chùa thôn Văn Uyên (tên Nôm là làng Đam) có ngôi chùa nằm sát bờ sông, tên chữ Kim Cương Tự, sự tích gắn liền với tấm lòng hiếu nghĩa của đức thánh Chèm.
Chuyện kể rằng, Đức thánh có ba anh em, ngày ngày kiếm sống trên khúc sông này. Một lần, bà mẹ ra tắm ở bến sông, không may bị thuồng luồng nuốt mất, ba anh em đắp đập ngăn sông, một ở bến Chèm, địa đầu Hà Nội; một ở bến Đam và một ở ngã ba Tuần Vường, Nam Định rồi thay nhau tát từng khúc sông tìm mẹ. Khi đáy sông lộ ra thì họ mới biết mẹ đã nằm gọn trong bụng thuồng luồng rồi. Thế là cuộc chiến quyết liệt đã xảy ra. Cuối cùng lưỡi dao bén ngọt của ba anh em đã mổ được bụng thuồng luồng, cứu được mẹ. Cảm mến lòng trí dũng và đức hiếu nghĩa, người dân nơi đây dựng đền tạc tượng người anh để thờ. Trước năm 1954, thuyền mành, thuyền giã từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh chở hàng từ cửa biển vào sông Cái, trước khi đến Kinh đô, phải neo thuyền lên chùa Đam cầu khấn Đức thánh phù trợ. Còn người dân trong vùng mỗi lần gặp chuyện oan khuất đều đến chùa nhờ Ngài soi xét. Lạ thay, những lời thỉnh cầu cùa họ đều ứng nghiệm.

Đến thế kỷ XIII, đoạn sông này vẫn còn thủy quái hoành hành. Ông Nguyễn Thuyên, đậu Thái học sinh triều Trần Nhân Tông, làm Thượng thư Bộ Hình. Tương truyền, vào năm Nhâm Ngọ (1282), có cá sấu vào sông Lô, ông bèn nhận lệnh triều đình lập đàn tế và viết bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm ném xuống đoạn sông này, cá sấu liền bỏ đi. Tài văn của ông được người dân ca ngợi, còn vua khen việc này giống như việc của Hàn Dũ nên cho ông đổi họ Hàn. Về sau, người ta quen gọi ông là Hàn Thuyên.

Từ vực sông Đại Lan, hướng sang bờ Bắc, qua một bãi cát rộng, là làng Chử Xá, nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Tên gọi Chử Xá (nhà ở bên bờ sông) gợi ta nhớ tới thiên tình sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung.

Chuyện kể, vào đời Hùng Vương thứ 18, vua sinh được một công chúa xinh đẹp. Hoàng tử các lân bang ngỏ lời gá nghĩa nhưng công chúa một mực từ chối. Một ngày vào tháng tư âm lịch, thuyền chở công chúa qua bãi cát nơi đây thấy phong cảnh đẹp liền dừng thuyền, quây màn tắm. Sau khi dội nước sông, cát trôi dần, bỗng xuất hiện một chàng trai không áo quần vùi mình trong cát. Sau khi trấn tĩnh, nàng mời chàng ngồi dậy và hỏi rõ ngọn ngành. Chàng nói, mình là Chử Đồng Tử, chuyên nghề chài lưới. Cha là Chử Cù Vân. Nhà nghèo, hai cha con chung một chiếc khố. Trước khi mất, cha muốn nhường lại cho con chiếc khố để hằng ngày đi chài lưới kiếm ăn. Nhưng vì thương cha, khi cha mất chàng liệm bằng chiếc khố ấy. Từ đó, ban ngày, chàng phải lẩn trong bờ bụi để che thân chỉ ban đêm vắng vẻ mới đi đánh cá. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của chàng trai và cho cuộc gặp này là duyên kỳ ngộ, công chúa bèn quyết định lấy làm chồng. Sau đó, Chử Đồng Tử – Tiên Dung đi học phép tu tiên. Trên đường chu du, hai người gặp một thanh nữ xưng là tiên nữ Tây cung, sau đó nàng bằng lòng làm thiếp của của Chử Đồng Tử theo lời khuyên của Tiên Dung. Tiên nữ Tây cung còn gọi là Tây Sa, giỏi nghề thuốc được suy tôn là Mẫu Y thiên hạ. Với cây gậy thần và tài năng, ba vợ chồng Chử Đồng Tử đã cứu được hàng trăm dân làng khỏi bệnh. Về sau cả ba người đều bay về trời. Bây giờ ở làng Chử Xá có lăng mộ Chử Cù Vân, có đình đền thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung và Tây Sa. Phía dưới làng Chử Xá độ 3km, có xã Tự Nhiên Châu, huyện Thường Tín, cũng có đền thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa. Hằng năm, vào ngày mồng một tháng tư âm lịch, dân xã Tự Nhiên lại trống dong cờ mở rước bài vị ba vị thần ra bãi Tự Nhiên Châu, quây màn diễn lại tích xưa…

Vào thế kỷ XV, cũng tại sông Đại Lan, đã diễn ra một sự kiện lịch sử oai hùng. Cuối năm Bính Ngọ (21/11/1426), Lê Lợi chuyển đại bản doanh từ Thanh Hóa ra tòa thành của Nguyễn Siêu, một trong 12 sứ quân thế kỷ IX ở Tây Phù Liệt (nay là thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì). Tháng Giêng năm Đinh Mùi (2/1427) để tiện việc chỉ huy quân dân vây hãm và tiến tới giải phóng thành Đông Quan, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho chuyển đại bản doanh từ Tây Phù Liệt, ngược sông Hồng 8km, đến bến Bồ Đề. Khi nghe tin Bình Định Vương đóng đại bản doanh tại đây, người xứ Bắc, xứ Đông tấp nập tới chúc mừng và xin được tham gia chiến đấu. Câu ca dao quen thuộc đã ghi lại không khí hồ hởi của dân chúng: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Tại doanh Bồ Đề, Nguyễn Trãi đã thảo hơn 50 bức thư dụ hàng quân giặc ở các thành, trong đó có 25 bức gửi Vương Thông. Cũng tại đây, Lê Lợi xuống chiếu, hạ lệnh các quan tiến cử người tài trí, hạ lệnh các lộ cử người hiền, cho dân xiêu tán về quê cày cấy. Cuối năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi cho tổ chức thi văn ngay tại bến Bồ Đề, đề thi là “Hiểu dụ thành Đông Quan”, lấy đỗ 36 người, người đỗ đầu là Đào Công Soạn. Lúc này, quân giặc bị vây hãm lâu ngày trong thành Đông Quan đã rơi vào thế cùng lực kiệt. Tại doanh Bồ Đề, Nguyễn Trãi đã soạn “Bài văn hội thề”, theo cách hiểu ngày nay, đó là bản hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh đầu tiên của dân tộc. Theo “Văn bia Vĩnh Lăng” thì “Vương Thông… xin thề trên sông Nhị”. Như vậy, đàn thề ngày ấy phải ở Vĩnh Tuy hoặc ở Kẻ Mơ (Mai Động), diễn ra ngày 10/12/1427, vì đây đúng là ở phía Nam thành Đông Quan, trên bờ sông Nhị (theo Nguyễn Vinh Phúc). Một chi tiết khác, sau khi hội thề kết thúc “tất cả bọn người Minh đều đến doanh Bồ Đề tạ Bình Định Vương, bọn Phương Chính vừa cảm ơn vừa hổ thẹn ứa nước mắt”.

Trên đây chỉ là ba trong muôn vàn chuyện kể diễn ra trên một đoạn sông Mẹ. Có chuyện kể từ thuở hồng hoang, con người đã biết đoàn kết, tạo sức mạnh đắp sông, trừ thú dữ cứu mẹ hiền; có chuyện ca ngợi vẻ đẹp thời Hùng Vương, vua tôi cùng uống chung dòng nước và tình yêu lứa đôi hoàn toàn tự nguyện không phân biệt đẳng cấp để trở thành “Tứ bất tử” trong tâm linh người Việt; có chuyện kể trang sử hào hùng về Lê Lợi, Nguyễn Trãi cách nay gần 600 năm, ngay trong chiến tranh đã kén chọn người tài, thực hiện chiến dịch ngoại giao mềm dẻo. Tất cả những di tích, huyền thoại, trải mấy nghìn năm biến đổi, hôm nay vẫn hiển hiện trên đôi bờ sông Mẹ. Ước mong, mai này quy hoạch đô thị hai bờ sông Hồng thực hiện, sẽ có nhiều tour du lịch đường sông và đường bộ đưa du khách đến với những các di tích bên sông để hiểu và yêu hơn vùng đất lịch sử này.

Trần Văn Mỹ

https://nguoihanoi.com.vn/chuyen-ke-ben-dong-dai-lan-67099.html