Chuyện phát triển làng nghề ở Phú Xuyên

Là huyện phía Nam Thủ đô, Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ; may Vân Từ; đan cỏ tế Phú Túc, tò he Xuân La… Những năm qua, các làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa

Với nghề may comple nổi tiếng, từ một vùng quê thuần nông, nghề may đã giúp xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) khởi sắc trở thành một làng nghề truyền thống lừng danh đất Hà Thành.

Thừa kế và phát triển giá trị truyền thống từ thời cha ông để lại, cùng với công cuộc mưu sinh, người Vân Từ đã tìm cách ra Hà Nội mang nghề may đi làm giàu cho quê hương và đất nước. Đến nay, với truyền thống hàng trăm năm, nơi đây đã và đang sản sinh ra rất nhiều những người thợ tài hoa.

Chuyện phát triển làng nghề ở Phú Xuyên
Những năm qua, các làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ảnh: K.Tiến

Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều những gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những công ty có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm của quê hương Vân Từ đã đi đến rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khu vực và cả trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Dậu (xã Vân Từ) chia sẻ: “Thời gian gần đây, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình may đo, tạo dựng… được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao, đưa sản phẩm của Vân Từ vươn xa”.

Tương tự, tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), làng nghề đan cỏ tế xã Phú Túc là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo của Hà Nội. Đến nay, sau gần 400 năm phát triển, Phú Túc có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có.

Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động làm nghề. Thu nhập từ nghề đan cỏ tế bình quân hiện nay với mức từ 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề cỏ tế ở Phú Túc, ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Phú Tuấn là một trong những người góp phần đưa cỏ tế Phú Túc vươn xa… Ông May cho biết, sản phẩm chính của Công ty Phú Tuấn hiện nay được sản xuất từ bèo tây, cói, mây, tre như thùng đựng quần áo, sọt rác, lọ lục bình trang trí… Công ty của ông đang tạo việc làm cho 20-25 nhân công làm việc tại xưởng cùng hàng nghìn lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận như huyện Mỹ Đức, tỉnh Hòa Bình, Hà Nam… Sản phẩm của Công ty xuất khẩu ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước ở châu Á.

Nói về quá trình đưa sản phẩm làng nghề vươn tầm quốc tế, ông May chia sẻ, sinh ra từ làng, vốn liếng tiếng Anh và hiểu biết về thương mại quốc tế, nhất là quy định về xuất nhập khẩu rất hạn chế. Nhưng chưa bao giờ ông đầu hàng khó khăn, chưa biết thì học hoặc thuê người trợ giúp. Ngay cả lúc khó khăn về vốn, thị trường, nhân công… nhưng vừa quán xuyến công việc ông vừa tranh thủ tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn của Đại học Thương mại về xuất khẩu, học thêm tiếng Anh.

Mỗi lần đi nước ngoài xúc tiến thương mại, dù được hỗ trợ kinh phí gian hàng từ các bộ, ban, ngành nhưng chi phí đi lại, ăn ở tiêu tốn của ông và gia đình vài trăm triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, nhưng chưa khi nào ông nao núng hay từ bỏ con đường đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương ra “biển lớn”.

Bởi ông cho rằng, nếu tiếp tục gia công cho các công ty, tập đoàn xuất nhập khẩu thì không có cơ hội bứt phá, phụ thuộc về đơn hàng. Đã có giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, hàng loạt đơn hàng thị trường truyền thống như Nga, Đông Âu bị cắt giảm, nhưng nhờ kinh nghiệm từng làm việc với nước ngoài, Công ty Phú Tuấn của ông vẫn trụ vững và ngày càng phát triển.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Hiện nay, huyện Phú Xuyên có trên 150 thôn, cụm dân cư có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày…Sản phẩm của các làng nghề luôn thích ứng với thị trường, nhanh nhạy trước thời cuộc, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.

Những năm qua, việc giữ gìn và phát triển làng nghề tại huyện Phú Xuyên luôn được Thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Từ sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề, làng nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng để sớm đưa 4 cụm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ vào hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quy hoạch cụm công nghiệp ở các xã Tân Dân, Sơn Hà, Phượng Dực…

Đồng thời, phối hợp các sở, ngành triển khai quy hoạch lại làng có nghề theo hướng di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra cụm công nghiệp và khu sản xuất tập trung theo quy hoạch, bảo vệ môi trường làng nghề. Những năm qua, huyện và các xã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp, nâng cấp hệ thống lưới điện, đường giao thông…

Bên cạnh đó, quy hoạch và từng bước xây dựng hàng loạt cụm công nghiệp làng nghề. Tính từ năm 2018 đến nay, Phú Xuyên đã xây dựng 4 cụm công nghiệp làng nghề, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 cụm công nghiệp làng nghề và quy hoạch 12 cụm công nghiệp khác. Đặc biệt, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch luôn được lãnh đạo huyện chú trọng quan tâm.

Theo đó, những năm qua, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích lịch sử, văn hóa tại các làng nghề trên địa bàn xã Phú Túc, Chuyên Mỹ, Phú Yên, Tân Dân, Vân Từ. Qua đó, lập dự án đầu tư, hỗ trợ, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan môi trường phục vụ du lịch làng nghề giai đoạn 2020-2030.

Huyện đã và đang triển khai xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề kết hợp du lịch, hình thành tuyến du lịch làng nghề trên địa bàn. Triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cũng được chú trọng, vì thế huyện đã có trên 220 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được Thành phố chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao.

Làng nghề Phú Xuyên không ngừng phát triển sau những cải tiến, năng động tiếp cận thị trường cùng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV đã ban hành Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/2/2021 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp…

Phát huy thế mạnh, từ năm 2011 đến nay, huyện Phú Xuyên lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tổ chức 7 lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm cấp huyện, 4 năm cấp xã). Năm 2019, thành phố Hà Nội đã công nhận 2 điểm du lịch tại Phú Xuyên ở xã Vân Từ và xã Chuyên Mỹ. Năm 2023, công nhận điểm du lịch làng nghề Giầy da Phú Yên.

K.Tiến

Chuyện phát triển làng nghề ở Phú Xuyên (laodongthudo.vn)