Chuyện về những người hiến đất

Con đường Âu Cơ, đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Thị Minh Khai thuộc thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum được người dân nơi đây gọi với cái tên rất đỗi thân thương là “con đường dân hiến”, bởi tất cả 19 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đều tự nguyện hiến đất để Nhà nước làm đường.

Những tấm lòng thơm thảo

Những ngày này, về với thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô khi đi trên đường Âu Cơ tỏa bóng mát, ai cũng phải trầm trồ bởi sự sạch sẽ, khang trang, đầu tư bài bản. Thế nhưng, để có được con đường Âu Cơ như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến chuyện hiến đất làm đường đầy nhân văn của 19 hộ dân nơi đây.

Chuyện về những người hiến đất
Ông Lê Triều và bà Bùi Thị Thông vui mừng khi tuyến đường Âu Cơ được hoàn thiện, đầu tư bài bản, sạch đẹp.

Cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đăk Tô xây dựng đường Âu Cơ nối dài, đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Thị Minh Khai với chiều dài gần 230m, chiều rộng mặt đường 18m, tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Để triển khai dự án, Nhà nước buộc phải thu hồi đất của 19 hộ dân, cá nhân với diện tích trên 4.000m2, giá trị bồi thường đất hơn 1,1 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông báo và quyết định thu hồi đất làm dự án, nhiều người dân có đất bị thu hồi đã nhanh chóng đồng thuận, sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước, mặc dù nếu bồi thường thì hộ nào ít nhất cũng được khoảng 70 triệu đồng.

Trong số 19 hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường, cô Bùi Thị Thông, 69 tuổi, trú tại tổ 2, khối 9, Thị trấn Đăk Tô có diện tích thu hồi nhiều nhất với trên 660m2, giá trị bồi thường đất, cây trồng hơn 150 triệu đồng. Còn hộ ông Lê Triều (86 tuổi) và bà Thới Thị Đông, trú tại khối 9, Thị trấn Đăk Tô có diện tích trên 540m2, giá trị bồi thường hơn 120 triệu đồng.

Ông Lê Triều, kể: Năm 1975 vợ chồng ông lặn lội từ Quảng Ngãi lên mảnh đất Kon Tum lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Gia đình đông con trông vào mảnh vườn nhỏ cạnh trồng rau, chuối đem ra chợ bán. Hai vợ chồng ông cũng bươn chải làm thêm việc phụ để đủ tiền trang trải, cuộc sống không khấm khá là mấy nhưng tinh thần luôn thoải mái.

Khi hay tin huyện Đăk Tô chủ trương làm đường Âu Cơ đi qua đất của mình, ông Triều liền bàn bạc cùng vợ xung phong viết đơn gửi chính quyền địa phương tình nguyện hiến hơn 540m2 đất cùng cây trồng. “Số tiền bồi thường đối với vợ chồng tôi rất lớn, nhưng nghĩ thoáng ra khi con đường được mở sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi, khu phố trở nên sạch đẹp, khang trang hơn. Vì vậy, gia đình tôi thống nhất hiến toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng cho Nhà nước mà không nhận lại đồng nào”, ông Triều trải lòng.

Cũng có tấm lòng thơm thảo như ông Triều là câu chuyện của hộ dân Bùi Thị Thông. Cũng như nhiều người dân nơi đây, hoàn cảnh bà Thông không khá giả gì từ việc trồng rau, nuôi gà.

“Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, thông báo được đưa đến tận từng hộ dân trong những buổi tiếp xúc, vận động, tuyên truyền. Nghĩ là làm, tôi lập tức hiến hơn 660m2 đất, cây trồng bàn giao cho địa phương để tuyến đường sớm được triển khai”, bà Thông cho biết. Chỉ vào tấm bằng khen treo ngay ngắn trên tường, bà Thông vui vẻ khoe: “Tấm Bằng khen đó đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng cho tôi vì đã hiến đất làm đường. Với tôi tấm Bằng khen đó còn quý hơn số tiền được bồi thường”, bà Thông chia sẻ.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Việc hoàn thiện tuyến đường Âu Cơ thông suốt kết nối vào Quốc lộ 14 đã giúp người dân nơi đây vốn sinh sống bằng nghề trồng và thu hoạch cà phê, sản xuất hoa màu dễ dàng đưa hàng hóa vào sâu hơn các tỉnh Tây Nguyên cũng như đổ về thành phố Hồ Chí Minh. Giao thông đi lại cũng dễ dàng, an toàn hơn, nhất là vào mùa mưa bão.

Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đăk Tô nên được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, đôn đốc. Trong đó Thị trấn Đăk Tô đã phối hợp với các phòng ban, đoàn thể thông báo công khai chủ trương thực hiện cũng như vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Qua đó, giúp các hộ dân hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng tuyến đường và đã nhanh chóng tạo sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất. Đây được xem là thành công và cách làm hay của huyện Đăk Tô nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Văn Thiện – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô cho biết: Huyện Đăk Tô đang phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ trở thành đô thị loại IV. Vì thế việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong đó có tuyến đường Âu Cơ nối dài.

“Để tuyến đường sớm được khởi công, chính quyền địa phương đã phối hợp với các phòng ban, đoàn thể của Thị trấn xuống tiếp xúc, tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng. Chính quyền vui mừng khi 19 hộ dân đều tự nguyện hiến đất, trong đó có 2 hộ dân tiêu biểu xung phong đi đầu. Sau gần 1 năm thi công, đến tháng 5/2023 vừa qua, tuyến đường cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết thêm.

“Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, thông báo được đưa đến tận từng hộ dân trong những buổi tiếp xúc, vận động, tuyên truyền. Nghĩ là làm, tôi lập tức hiến hơn 660m2 đất, cây trồng bàn giao cho địa phương để tuyến đường sớm được triển khai”, bà Thông cho biết. Chỉ vào tấm bằng khen treo ngay ngắn trên tường, bà Thông vui vẻ “khoe”: “Tấm Bằng khen đó đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng cho tôi vì đã hiến đất làm đường. Với tôi tấm Bằng khen đó còn quý hơn số tiền được bồi thường”, bà Thông chia sẻ.

Trần Nghĩa

https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-hien-dat-158341.html