Vùng đất lịch sử
Cổ Loa là một trong những đô thị cổ nhất Việt Nam và Đông Nam Á còn hiện hữu nhiều dấu tích trong đời sống, trong đó phải kể đến các vòng thành – minh chứng về trình độ kỹ thuật quân sự cao của nền văn minh Việt cổ. Thành Cổ Loa có niên đại cách đây 2.300 năm, gồm ba vòng: Thành Nội, thành Trung, thành Ngoại với tổng chiều dài 15,8km, được hình thành nhờ tận dụng địa hình tự nhiên, đắp nối các gò, đống với những dải đất cao dọc theo sông. Đến nay tuy không còn nguyên vẹn nhưng những dấu tích còn lại cho thấy sự tồn tại của một tòa thành cổ với đầy đủ ba chức năng: Quân thành, thị thành và kinh thành.
Một di tích đóng vai trò quan trọng không kém trong Khu di tích Cổ Loa là đền Thượng – nơi thờ An Dương Vương. Đền được dựng trên một quả đồi, gồm các công trình kiến trúc được bố trí theo một trục Thần đạo. Trong đền hiện còn lưu giữ bức tượng vua An Dương Vương được đúc bằng đồng, nặng 200kg, có niên đại 1897 cùng 5 tấm bia đá và 53 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.
Đến với Khu di tích Cổ Loa, du khách không thể bỏ qua am Mỵ Châu. Phía trong cung cấm thờ một pho tượng đá – hình tượng công chúa Mỵ Châu không đầu, được phủ một lớp áo gấm. Dân gian truyền tụng rằng, sau khi bị vua cha chém, dòng máu của Mỵ Châu rơi xuống biển hóa thành ngọc trai. Khi đem rửa tại giếng Ngọc nằm trong hồ nước trước cửa đền An Dương Vương, ngọc càng thêm sáng như minh chứng cho nỗi oan khuất của Mỵ Châu…
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh, trong khuôn viên Khu di tích Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia. Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú gồm các lễ hội nổi tiếng, những tập tục đặc sắc, những làng nghề truyền thống và nền ẩm thực đặc trưng được bảo tồn và phát huy giá trị đến nay.
Khai thác tiềm năng
Với những giá trị văn hóa đậm đặc còn hiện hữu trong đời sống, Đông Anh được đánh giá là vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hệ thống di sản này lâu nay dường như vẫn “ngủ quên”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) đau đáu chia sẻ: “Khách đến Cổ Loa phần lớn chỉ vào dịp lễ hội đầu năm và chủ yếu thăm các đình, đền; còn các vòng thành và di tích khác hầu như không có người đến. Tại sao một di sản 2.300 năm tuổi có sức hấp dẫn, độc đáo nhất nhì khu vực Đông Nam Á lại không thu hút khách trong khi các di sản như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình)… đã khởi sắc với các hoạt động du lịch?”.
Để trả lời câu hỏi này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Hà Nội cần tăng cường đầu tư, đưa Cổ Loa trở thành một điểm đến du lịch bậc nhất Thủ đô bởi tính hấp dẫn của hệ thống di sản và những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết đã đi vào tâm thức của người Việt. Muốn vậy, trước tiên, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng người dân để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường di tích, khôi phục các vòng thành đang biến mất dần, để Khu di tích Cổ Loa phát huy được các giá trị vốn có.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa đến năm 2030 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015), nơi đây sẽ trở thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn, với dáng vẻ một đô thị lịch sử cổ kính bên cạnh cảnh quan môi trường sinh thái nông nghiệp mới. Theo đó, đây sẽ là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa sông Hồng – hồ Tây – Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích đền Hùng – Mê Linh – Cổ Loa – Hoàng thành Thăng Long – Sơn Tây – Thành cổ Luy Lâu… Bên cạnh các giải pháp bảo tồn và khai thác không gian lịch sử gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, huyện cũng tập trung bảo tồn và phát triển không gian nhân văn – sinh thái nhằm giữ gìn cấu trúc định cư truyền thống cùng bản sắc văn hóa vốn có để Khu di tích Cổ Loa trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô trong tương lai.
Bảo Khánh / nguoihanoi.com.vn