Công nghiệp văn hóa- khâu đột phá trong phát triển văn hóa

“Phát triển công nghiệp văn hoá cũng bảo đảm được câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nhiều ngành, lĩnh vực”

Những dẫn chứng trong các bài viết trước đã khẳng định rõ hơn vai trò của từng lĩnh vực trong việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa vươn lên thoát khỏi tình trạng manh mún. Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: Để những kỳ vọng trở thành sự thật, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Sau Nghị quyết, cần có chính sách cụ thể thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là nhân sĩ, trí thức, các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp… trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; cũng như tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm, không chỉ mang lại giá trị tình thần mà còn cả giá trị kinh tế mang tính mũi nhọn…

* Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào khi Hà Nội ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Đây không chỉ là tin vui đối với những người yêu văn hóa Hà Nội mà còn cả đối với những người yêu văn hóa Việt Nam. Việc Hà Nội ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một đột phá và đáp ứng kỳ vọng của những người yêu văn hoá Hà Nội để làm sao sử dụng nguồn lực văn hóa, sáng tạo to lớn và phong phú của Hà Nội phát triển Thủ đô trong thời gian tới, nhất là khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.

Việc ban hành Nghị quyết này cũng rất thiết thực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) khi Thành phố xác định văn hoá là khâu đột phá. Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; là “Thành phố vì hoà bình” và nay Hà Nội là “Thành phố sáng tạo”. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới”, và Tổng Bí thư căn dặn: “Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc”. Đặc biệt là khi Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa được tổ chức gần đây, Tổng Bí thư đã nhắc đến những thông điệp rất có ý nghĩa về văn hoá: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, “văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”…

Trong đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng để chấn hưng ngành văn hoá của đất nước thì cần phải khẩn trương phát triển ngành công nghiệp văn hoá. Phát triển các công nghiệp văn hoá giúp chúng ta tận dụng được rất nhiều lĩnh vực văn hoá của Hà Nội, phát huy được lợi thế của Hà Nội là mảnh đất của tụ hội của nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước cũng như tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Chính vì thế, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Hà Nội trong việc ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô, từ đó giúp cho văn hoá của Thăng Long-Hà Nội toả sáng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời cũng sẽ có tác động tích cực trong việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong thời gian sắp tới.

“Phát triển công nghiệp văn hoá cũng bảo đảm được câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nhiều ngành, lĩnh vực”

* Phóng viên: Thưa ông, phải chăng việc phát triển công nghiệp văn hoá tạo đà cho những lĩnh vực khác phát triển?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Ở đây, chúng ta phải nhấn mạnh là công nghiệp văn hoá có hệ số lan toả, tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực của Thủ đô và đất nước. Công nghiệp văn hóa chính là khâu đột phá trong phát triển văn hóa. Khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô tức là được hiểu văn hoá đã trở thành một tài sản, nguồn lực to lớn của Hà Nội. Khi văn hoá phát triển thì các lĩnh vực khác cũng sẽ phát triển và có lợi ích như chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Ví như, giáo dục chẳng hạn, nếu chúng ta làm tốt công tác phát huy giá trị di tích, chúng ta không chỉ lan tỏa những giá trị của di sản đến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, mà thông qua hiểu biết tốt hơn về lịch sử đó, chúng ta sẽ khợi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ. Khi họ hiểu lịch sử Hà Nội thì họ sẽ thêm yêu mảnh đất, con người văn hoá Thủ đô và từ đó sẽ mong muốn phát triển quê hương, đất nước. Nó giống như một vòng xoáy hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Hay việc phát triển công nghiệp văn hoá cũng sẽ bảo đảm gắn kết được văn hoá và kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thời trang, du lịch… Phát triển công nghiệp văn hoá cũng bảo đảm được câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nhiều ngành, lĩnh vực…

Hà Nội có nhiều lợi thế khi gia nhập Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

* Phóng viên: Trong Nghị quyết, Thành uỷ đặt mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” có một ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển văn hoá nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung. Khi chúng ta coi sự sáng tạo là yếu tố then chốt, là hạt nhân của sự phát triển của Hà Nội thì sự sáng tạo này nó không chỉ nằm trong lĩnh vực văn hoá, không chỉ là sử dụng giá trị tiềm năng văn hoá để khai thác cho sản phẩm văn hoá nữa mà sáng tạo còn phải nằm ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, các yếu tố, các thành phần, sáng tạo trở thành định hướng cho sự phát triển của thành phố, trong tất cả các lĩnh vực của Thành phố.

Chúng ta xây dựng một cây cầu không chỉ để phục vụ giao thông mà nó cần trở thành biểu tượng mới của Thủ đô; xây dựng một ngôi nhà hay kể cả một cột đèn đường còn để thể hiện sức sáng tạo và vẻ đẹp cho Thành phố… Lúc đó, sáng tạo đã thực sự kích thích chúng ta về một xã hội đáng sống. Khi chúng ta hướng về nó và nhận thức đầy đủ về nó thì sẽ tạo ra một sức bật mới cho Thủ đô. Sự phát triển hướng về sáng tạo và văn hoá sẽ giúp Thủ đô phát triển bền vững hơn, xanh – sạch – đẹp, thanh lịch, văn minh hơn. Nếu thực hiện tốt thì tôi tin chắc mục tiêu này sẽ đạt được.

Tôi cũng muốn nói thêm, sở dĩ Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế ở sáng tạo khi gia nhập Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” vì Hà Nội có quá nhiều ưu thế khác nhau. Đấy là lý do vì sao chúng ta không chọn một lĩnh vực cụ thể nào như thủ công mỹ nghệ, ẩm thực hay thời trang, hay một lĩnh vực nào đó để tạo nên thương hiệu mới cho thành phố sáng tạo. Vì thiết kế bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực khác nhau của Hà Nội nên thiết kế phù hợp nhất cho một Hà Nội đa dạng, phong phú và nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá, chúng ta cũng đã định danh ra rất nhiều lĩnh vực cụ thể để phát triển như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản… Và nếu chúng ta lấy sáng tạo vừa là hạt nhân, vừa mang tính bao trùm ở mọi lĩnh vực, khi đó sáng tạo sẽ là một định hướng lớn trong sự phát triển của Thủ đô, thì tôi tin chắc chúng ta sẽ thành công.

* Phóng viên: Với tư cách là đại biểu quốc hội, chuyên gia và nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, ông có hiến kế gì cho Thành phố để Nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Nghị quyết là bước đầu tiên, rất quan trọng để hình thành nhận thức để từ đó có hành động cụ thể. Để phát triển văn hoá Thủ đô trong thời gian tới cần hiện thực hoá Nghị quyết này thành những Chương trình, Đề án cụ thể, khả thi. Sắp tới Thành phố đang sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Thủ đô để khai thác, tận dụng những thế mạnh về văn hoá của Thủ đô. Trong sửa đổi Luật Thủ đô, chúng tôi tâm đắc với nội dung về phát triển công nghiệp văn hoá, quyết tâm bố trí tối thiếu 2% chi ngân sách hằng năm của Thành phố. Đây là những điều kiện cơ bản cho phát triển công nghiệp văn hoá, và cũng là hành động cụ thể, thiết thực.

“Chúng ta xây dựng một cây cầu không chỉ để phục vụ giao thông mà nó cần trở thành biểu tượng mới của Thủ đô…”

Thứ hai là triển khai tốt những chương trình, hành động mà chúng ta cam kết với UNESCO khi tham gia vào Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Trong đó, chúng ta cần có một đầu mối chuyên trách, điều phối hoạt động của Thành phố Sáng tạo; quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hoá, từ những đầu tư cho văn hoá (như trên đã nói) cho đến những hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian sáng tạo, thiết chế văn hoá để từ đó có những không gian, địa điểm cho văn hoá.

Tiếp theo là quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hoá để những chiến lược, nghị quyết, kế hoạch được thành công, vì như Bác Hồ đã nói, cán bộ là gốc của mọi việc. Mọi việc thành hay bại phần lớn là do công tác cán bộ. Vì vậy, nguồn nhân lực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng cho công tác sắp tới.

Bên cạnh đó, Thành phố cần phải tổ chức các hoạt cụ thể để phát triển văn hoá Thủ đô trong lĩnh vực chúng ta ưu tiên. Ví như hoạt động thủ công mỹ nghệ, chúng ta cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, làng nghề, nghệ nhân. Tương tự như vậy, đối với ẩm thực, chúng ta cũng cần xây dựng thương hiệu cho món ăn Hà Nội, địa điểm, các đầu bếp nổi tiếng hay tạo những lễ hội ẩm thực. Đối với thời trang, điện ảnh… cũng phải có những lộ trình, kế hoạch cụ thể thì Nghị quyết mới đi vào cuộc sống.

Ngoài những hành động cụ thể, khi chúng ta đã ban hành được Nghị quyết – một khung chính xác để thực hiện thì tôi cho rằng, chúng ta cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hoá, lan toả việc làm tốt, những cách làm hay, tạo động lực mới để phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, từng địa phương cũng cần có những giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể để từ đó có sự phát triển đồng bộ cho công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài viết: Bùi Minh Phương
Đồ họa: Đức Hà
Coder: Hoàng Anh