Chị Huyền chia sẻ: “Từ mùng 10 tháng Chạp trở đi, lượng rác thải đã tăng do hoạt động của các chợ hoa Xuân, các chương trình tất niên, đón Tết và sinh hoạt của người dân tăng cao. Chúng tôi thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ, chị em tự động viên nhau làm hết rác chứ không làm hết giờ”.
Theo chị Huyền, mặc dù đã được cơ giới hoá rất nhưng đặc thù công việc thì cây chổi tre vẫn là người bạn thân thiết với công nhân. Đặc biệt những ngày giông bão, khi nhà nhà đóng cửa, chỉ còn anh, chị, em công nhân vệ sinh ngoài đường vắng với mưa, gió, sấm chớp, họ chỉ biết động viên nhau cố gắng vượt qua gian khó.
Rồi 20 năm làm công nhân môi trường thì cũng là 20 năm chị Huyền đón giao thừa ngoài đường. Chị mong rằng sẽ có chế độ ưu đãi hơn giúp đời sống công nhân môi trường được nâng cao, để ai cũng yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn.
Công nhân môi trường chi nhánh Đống Đa đảm bảo vệ sinh môi trường trên phố Văn Miếu. |
Khó khăn, vất vả không chỉ đến từ lượng rác tăng cao mà còn đến từ việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Nhiều gia đình dọn dẹp nhà không còn quan tâm đến phân loại rác, tranh thủ vứt ra đường đủ loại rác thải. Đó thường là các vật dụng cũ hư hỏng không dùng tới nữa như bàn, ghế, chăn đệm, giường, tủ… ngổn ngang trên hè phố, bên vệ đường hay tại các khu đất trống.
Nhiều tuyến phố mặc dù đã được thông báo giờ thu gom rác nhưng khi công nhân vệ sinh môi trường vừa thu gom xong, khi quay lại đã thấy một đống rác mới được người dân vứt ra vỉa hè.
Các khu vực chợ hoa, cây cảnh, chợ dân sinh… cũng là “nỗi khổ” của công nhân vệ sinh môi trường bởi dù đã được thông báo phải gọn gàng, song do quá bận rộn mà nhiều chủ gian hàng không chấp hành, vô tư xả rác ra đường. Từ sau Rằm, cứ đến chiều tối, những đống rác cứ “vô tư” ngồn ngộn trên phố khiến công nhân môi trường lại phải thêm một lượt thu gom.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, đã thành thông lệ, vào những ngày 28, 29, 30 Tết hàng năm, khối lượng rác tăng khoảng 1,5 – 1,8 lần so với ngày thường (khoảng 500 – 650 tấn/ngày)… Để đảm bảo thu, vận chuyển hết rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn quận, chi nhánh đã huy động tối đa và nhân lực tham gia công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận, trong đó duy trì tăng ca từ 19h30 đến hết rác.
Vào những ngày 28, 29, 30 Tết hằng năm, khối lượng rác tăng khoảng 1,5 – 1,8 lần so với ngày thường. |
Được biết, để đảm bảo vệ sinh môi trường Thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã xây dựng kịch bản từ ngày 22 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn, trong đó đảm bảo thực hiện thu dọn rác tại các khu vực các quận, huyện và tuyến đường Đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp…
Tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, văn nghệ, bắn pháo hoa, công ty có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tổng vệ sinh trên toàn bộ địa bàn được giao vào sáng thứ Bảy hằng tuần.
Ngoài ra, tại các điểm công cộng, công ty cũng chuẩn bị các nhà vệ sinh công cộng lưu động để lắp đặt tại các nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu; lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ các nhà vệ sinh công cộng.
Đơn vị cũng bố trí công nhân duy trì thủ công để duy trì nhặt rác ngày kết hợp với tuyên truyền vận động người dân không xả rác ra đường và nơi công cộng. Đồng thời rà soát, duy trì đảm bảo các thùng rác, xe gom, hòm đồ và các điểm tập kết xe gom luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Công nhân môi trường phải đi “mót” từng túi rác trên hè phố. |
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay công ty có gần 5.000 công nhân vệ sinh môi trường, ngày bình thường thu gom khoảng hơn 5.000 tấn rác trên địa bàn một số quận, huyện ở Hà Nội. Những ngày cận Tết Nguyên đán thì khối lượng rác có thể tăng gấp 3 – 4 lần, nên người lao động phải tăng ca mới đảm bảo thu gom, không để tồn đọng rác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải đảm bảo các chế độ, lương thưởng, kịp thời động viên người công nhân vệ sinh môi trường trong ngày Tết. Hơn nữa, vì tính chất công việc phải làm xuyên Tết nên công ty đã trả lương, thưởng Tết, tặng quà cho công nhân vệ sinh môi trường từ trước ngày 23 tháng Chạp để mọi người có thời gian sắm sửa, đón Tết.
Rạng sáng ngày Mùng 1 Tết, lãnh đạo công ty sẽ đi chúc Tết và lì xì động viên mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cho đường phố Thủ đô được sạch đẹp.