Công tác dân vận khoa học, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở

Nhờ cách làm khoa học, linh hoạt, chủ động, sâu sát cơ sở, công tác dân vận của thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của Thủ đô và cả nước. Thời gian tới, công tác dân vận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, bám dân, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị chính đáng của nhân dân và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở không để thành vụ việc phức tạp.

Kịp thời nắm bắt, giải quyết kiến nghị của nhân dân

Với tinh thần quyết liệt, đổi mới tư duy, ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội từ Thành phố đến cơ sở triển khai hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận; đồng thời tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đảng theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với các hội viên Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với các hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân vận của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân theo Quyết định 2200-QĐ/TU tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Toàn Thành phố đã tổ chức trên 60 cuộc tiếp xúc, đối thoại, riêng Thường trực Thành ủy tổ chức 3 cuộc. Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội gặp mặt, làm việc với đại biểu, hội viên Cựu chiến binh Thủ đô. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân lao động Thủ đô và với đoàn viên Thanh niên Thủ đô.

“Thông qua việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên và nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị Thành phố”, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, công tác dân vận chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào việc cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp, gắn với thực hiện chủ đề công tác “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Theo ông Phùng Văn Dũng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cũng tích cực triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã tổ chức 8.868 cuộc giám sát và 687 cuộc phản biện xã hội. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống dân vận từ Thành phố đến cơ sở đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng phục vụ khởi công dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đảm bảo đúng tiến độ.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền nên nhân dân thông suốt về chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Vành đai 4, từ đó rất đồng tình, ủng hộ.
Nhờ làm tốt công tác dân vận nên nhân dân rất đồng tình, ủng hộ dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Đáng chú ý, công tác dân vận đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, triển khai đồng bộ. Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội thông tin, hệ thống dân vận từ Thành phố đến cơ sở đã phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế mang lại giá trị cao tại địa phương.

“Đến nay, toàn bộ 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt 60 triệu đồng/người/năm; khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bằng được rút ngắn…”, ông Phùng Văn Dũng chia sẻ.

Trong thời gian qua, công tác dân vận đối với đồng bào theo tôn giáo tiếp tục được chú trọng, tập trung vào việc quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng giáo lý, giáo luật và quy định pháp luật; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; quan tâm phát triển đảng viên là người theo tôn giáo; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào các tôn giáo; đồng thời, tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng” trên địa bàn.

Hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa bàn cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho rằng, nhờ chủ động từ sớm, làm tốt công tác dân vận mà địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đảm bảo khởi công đúng tiến độ. Trong khi đó, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Ba Đình Nguyễn Thị Minh Hồng nêu kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát huy vai trò “Tổ dân vận”, có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương.

Công tác dân vận khoa học, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở
Tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính và các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh: Quang Thái)

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác dân vận của Thành ủy Hà Nội, mới đây, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang khẳng định, những kết quả Hà Nội đạt được đóng góp quan trọng vào kết quả chung cả nước.

Nhằm phát huy những thành tích đạt được, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm, đề nghị ngành dân vận Thủ đô tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, cần tiếp tục làm tốt công tác nắm chắc tình hình, đảm bảo chính xác, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những tác động tiêu cực sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đời sống người dân và doanh nghiệp, những vấn đề dân sinh bức xúc.

Ông Bùi Tuấn Quang cũng đề nghị, tiếp tục tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4, vùng Thủ đô đúng tiến độ, thời gian; tiếp tục đẩy mạnh phong trào dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, cùng với biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình dân vận khéo.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận trong tình hình mới theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược phù hợp với giai đoạn mới và tăng cường công tác dân vận giữa các cơ quan, tổ chức chính trị.

“Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, bám dân, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tiếp tục cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” phù hợp với thực tiễn của địa phương; thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở không để thành vụ việc phức tạp”, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền nên nhân dân thông suốt về chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Vành đai 4, từ đó rất đồng tình, ủng hộ.
Công tác dân vận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, bám dân, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị chính đáng của nhân dân. (Ảnh: Hữu Duyên)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, quá trình thực hiện, công tác dân vận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Trên cơ sở phân tích tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, ngành dân vận Thủ đô cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình nhân dân; công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, khơi dậy tinh thần làm việc hăng say, cống hiến, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính và các quy tắc ứng xử của một số cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa vị thế, vai trò của công tác dân vận trong chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. Không để các vụ việc kéo dài, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, quán triệt sâu sắc và tập trung tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 01/10/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước”. Triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng theo hướng thực chất, hiệu quả, hướng mạnh đến địa bàn cơ sở. Chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung vào các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố; chủ động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng địa bàn, đối tượng để ngăn ngừa, tháo gỡ nguy cơ phát sinh phức tạp.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/cong-tac-dan-van-khoa-hoc-hieu-qua-huong-manh-ve-co-so-158160.html