“Cú hích” cho Hà Nội hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Con người, cao hơn nữa – người tài là một trong những trụ cột để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Nhận diện nội dung quan trọng này, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có Điều, Khoản riêng biệt nhằm thu hút, trọng dụng người tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”. Định hướng này của Bộ Chính trị đã khắc phục sự hạn chế của Luật Thủ đô 2012 (hiện hành) vì Luật chỉ có một câu tại khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm.

thu-khoa.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2023. (Ảnh tư liệu).

Qua quá trình thực hiện theo Điều 13 Luật Thủ đô hiện hành những bất cập đã lộ diện, trong đó nội dung của quy định tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng đó, theo Luật Thủ đô 2012, phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2014 – 2018, Thành phố tuyển dụng được 55 người là các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học. Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội tuyển dụng được 32 bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II. Trong khi đó, các vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt Huy chương Vàng hoặc Giải Nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hoặc Giải nhất, Nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, Thành phố đã tuyển dụng được 77 người trong giai đoạn 2018 – 2020.

Chưa kể, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách của Luật Thủ đô 2012, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng cho thấy đa số chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung. Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.

Thực tế phản ánh, trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh “chất xám” và “nhân tài”, quốc gia và địa phương nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân tài hùng mạnh thì quốc gia đó, địa phương đó có khả năng phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Chính vì thế, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất cao khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kịp thời bổ sung những khoảng trống của Luật Thủ đô 2012 kể trên, thông qua Dự thảo Luật (sửa đổi) có riêng Điều 16 “Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều chuyên giá đánh giá có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực Hà Nội. Cụ thể, Điều 16 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện theo các tiêu chuẩn:

– Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định;

– Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.

– Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô với chế độ đãi ngộ phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.

anh-ttx.jpg
Giáo viên hướng dẫn sinh viên thực hành nghề tự động hóa tại Phòng học công nghệ 4.0 của Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội (Ảnh: TTXVN).

Cùng đó, Điều 16 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn. Hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô học tập tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài và hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định chi tiết Điều 16 “Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Rõ ràng, những quy định mới trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tầm nhìn, sự đúng đắn trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội, xác định nguồn lực con người, trọng dụng nhân tài là quan trọng nhất.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đã thể chế hóa nội dung “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế” theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý gồm 7 Chương, 55 Điều. Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (từ 20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6), Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quỳnh Phạm

“Cú hích” cho Hà Nội hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (nguoihanoi.vn)