Cụ thể hóa tối đa các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội nhằm tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế được chỉ ra là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện được trên thực tế.

Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, các luật ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (cụ thể như Luật Cư trú đã bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô). Việc chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng trong Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức thi hành Luật này.

Đồng thời, Luật Thủ đô giao thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết cho thành phố Hà Nội (nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND), quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND), về thứ bậc hiệu lực pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành, nên khi các luật, nghị định, thông tư được ban hành có quy định khác, nhiều nội dung đặc thù được giao cho Thủ đô Hà Nội quy định chi tiết đã không thể thực hiện được. Vì vậy, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Cụ thể hóa tối đa các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)
Nhiều cơ quan, đơn vị đang tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô.

Từ đó xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Cũng theo Tờ trình của Bộ Tư pháp, Luật Thủ đô được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Đó là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, cũng như các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Đồng thời, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội nhằm tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các cơ quan, người có thẩm quyền quy định vấn đề đó theo pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ về thẩm quyền ban hành văn bản. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng cơ chế để nâng cao trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Cùng với đó, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nếu các dự án Luật này được Quốc hội thông qua mà sẽ xử lý được những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô. Còn lại, nếu chưa được xử lý hoặc nội dung đã được xử lý nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Thủ đô mà cần quy định bổ sung thì sẽ đề xuất để quy định tại Luật Thủ đô.

Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, Dự thảo Luật hiện tại gồm 6 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Trong đó, Dự thảo Luật kế thừa nguyên vẹn 4 điều của Luật Thủ đô 2012 (Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6), 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.

 

H.L

https://laodongthudo.vn/cu-the-hoa-toi-da-cac-co-che-dac-thu-trong-luat-thu-do-sua-doi-158622.html