Một con phố nhỏ lúc nào cũng đông trẻ nhỏ ngây người trước các cửa hàng, đó là phố du Sucre (nay là phố Hàng Đường – dịch giả) của những người làm bánh kẹo và làm mứt.
Cả một loạt kẹo bánh bày làm nhiều tầng trên những tấm ván có giá đỡ bên dưới. Có những chiếc thúng to và tròn đựng đường cát đầy có ngọn, sản phẩm của xứ này.
Mía được trồng nhiều ở Bắc Kỳ. Nhưng người bản xứ không biết làm ra đường tinh mà chỉ làm được hai loại đường bột. Đường cát chất lượng kém cả về mã ngoài và vị ngọt là loại hai. Còn loại một thì trắng tinh gồm những tinh thể nhỏ.
Các hàng mứt bán cả đường phèn trắng hoặc vàng, mứt quả, kẹo nu-ga nâu dùng hạt lạc thay hạnh nhân, mứt hạt sen…
Họ bán lẻ chum-chum (rượu ngang – dịch giả) tức là rượu gạo bằng cách dùng một cái thìa làm bằng một nửa vỏ quả dừa, có cán tre để đong.
Như tên gọi, rượu này được làm bằng gạo, màu trắng, mùi hơi khó chịu, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu độ cồn. Dụng cụ cất rượu của họ rất tồi, để lẫn vào nhiều chất có mùi khét nên rượu có vị khó ưa, người Âu nào uống thử cũng phải nhăn mặt. Tuy nhiên, đó lại là thứ đồ uống lên men duy nhất và thông dụng của người An Nam.
[…]
Ở phố Hàng Đường cũng có một số bánh kẹo hợp với khẩu vị người Âu, vấn đề là phải mua ở “nhà sản xuất nổi tiếng” như ở Pháp vậy.
Bánh quy An Nam ngon, được làm bằng bột gạo với đường, dùng con lăn bằng gỗ cán mỏng trên mặt phiến đá, được nướng rất nhỏ lửa. Bánh được cắt thành miếng nhỏ, dùng giấy trắng in tên và biểu tượng cửa hiệu bên ngoài, gói thành từng gói bốn hoặc sáu chiếc.
Cửa hàng còn có loại bánh tròn, to bằng đồng bạc, làm bằng bột gạo và táo rất ngon. Người An Nam làm rất khéo kẹo thơm, kẹo mật và một loại kẹo lạc rất giống kẹo nu-ga đào lạc của Montélimar (Montélimar: Một địa danh của Pháp, nổi tiếng về sản xuất kẹo nu-ga – dịch giả).
Biển hiệu của mỗi cửa hàng được treo từ trần nhà bên trên giá hàng. Có khi là một mảnh ván vuông sơn đỏ, chữ tên hiệu thếp vàng, có khi là hai quả gỗ to tròn dạng như quả thanh yên, treo bằng dải đỏ hoặc xanh, khi thì là tượng Phật hoặc một vị thánh.
Biển nào cũng viết khẩu hiệu chữ to, tập trung vào chủ đề chính như “chúc vạn phúc” hoặc “sẽ làm quý khách đặc biệt hài lòng”, tóm lại là những lời tốt đẹp nhất.
Zing/Trích sách ‘Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của tác giả Charles Hocquard do NXB Văn học liên kết Đông A phát hành. Charles Édouard Hocquard – bác sĩ quân y Pháp – tới Việt Nam từ 1884 đến 1886. Ông đã ghi chép, chụp ảnh về cảnh vật, con người, lối sống nhiều vùng như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế… Cuốn sách không chỉ là áng văn du ký mà còn là nguồn tư liệu về nước ta cuối thế kỷ XIX.