Nhiều điểm sáng
Hàng cây xanh mát được trồng hai bên đường làng xen kẽ nhiều luống hoa tươi ở thôn La Thạch, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) đã giúp cho không khí nơi đây trong lành, giao thông thông thoáng. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn La Thạch Lê Văn Thăng chia sẻ: “Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ngoài việc duy trì phong trào dọn vệ sinh hằng tuần, nhân dân thôn La Thạch còn quyên góp để trồng 29 cây bóng mát, cây cảnh; lắp đặt 35 ghế đá và hệ thống điện chiếu sáng, đưa La Thạch trở thành điểm sáng của huyện về xây dựng môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”.
Hay như ở khu vực đường đê tại tổ dân phố số 9 và số 11 phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) trước đây là một trong những “điểm nóng” về nạn đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ, Ban Công tác Mặt trận hai tổ dân phố cùng các ban, ngành, nhân dân đã vào cuộc. “Trước tiên, chúng tôi vận động nhân dân dọn rác, phát quang mái đê, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Một thời gian sau, toàn bộ tuyến đê đã được dọn sạch, bà con góp công sức và gần 1 tỷ đồng để cải tạo đất, mua các loại hoa về trồng và thay nhau chăm sóc, duy trì vườn hoa”, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 9 Phạm Hoàn Tú nói.
Tương tự, bà con tổ dân phố số 9, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) xác định việc xây dựng tuyến ngõ văn minh đô thị là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận và các ngành, đoàn thể thống nhất chọn ngõ 45 phố Tứ Liên để xây dựng “Ngõ văn minh đô thị”. Bằng nguồn xã hội hóa, chỉ một thời gian ngắn, nhân dân tổ dân phố số 9 đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để trồng cây, làm hàng rào, tường hoa, cây cảnh, đổ bê tông nền đường, lắp hệ thống chiếu sáng… Các nhóm liên gia tự quản trong các hộ liền kề được thành lập để giữ gìn cảnh quan.
“Với sự quyết tâm của toàn thể bà con và các nhóm liên gia tự quản, tình trạng đổ rác không đúng giờ và không đúng nơi quy định đã chấm dứt, việc thả rông súc vật cũng không còn, đường phố, tuyến ngõ luôn sạch đẹp”, bà Lê Thị Liên, người dân tổ dân phố số 9 cho biết.
Tiếp tục nhân rộng
Để góp phần thực hiện tốt mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức trong việc giữ môi trường sống. Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm rác, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, với vai trò chủ trì, Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư còn thành lập các tổ liên gia tự quản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ: “Với cách làm này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng được nhiều mô hình bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức và huy động được nhân dân bảo vệ môi trường ở địa bàn mình sinh sống”.
Là địa phương nhiều năm nay duy trì thành công mô hình “Câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường” tại 14/14 phường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên Ngô Thanh Xuân thông tin: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận thường xuyên tuyên truyền, vận động để ngày càng có nhiều người tham gia vệ sinh môi trường với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thể hiện đúng tinh thần “Vì một Long Biên xanh – sạch – đẹp – văn minh”.
Tại quận Tây Hồ – nơi đã duy trì được 65 ngõ văn minh đô thị và mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản để từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh””.
Để môi trường sống của Thủ đô ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của địa phương, phát huy hơn nữa vai trò của các Ban Công tác Mặt trận nhằm nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tới các địa phương của thành phố.
Với cách làm này của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đã trở thành phong trào sâu rộng, đang tiếp tục lan tỏa, giúp nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiền Phương / nguoihanoi.com.vn