Cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”: Hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động thi trực tuyến

Từ khi cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chính thức diễn ra, các nhóm zalo Công đoàn liên tục trao đổi, thảo luận về câu hỏi. Cuộc thi là nơi đoàn viên, người lao động và cán bộ Công đoàn thể hiện tình cảm với tổ chức Công đoàn trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Hơn cả một cuộc thi

6 giờ sáng 13/11, chị Khương – cán bộ Công đoàn cơ sở ở thành phố Huế nhắn tin: “Có câu hỏi chưa chị? Bắt đầu thi được chưa ạ? Đoàn viên nhà em mong quá!”.

Gần 1 tuần qua, sau khi có thông báo về cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”, các cán bộ Công đoàn ở Thừa Thiên Huế đều có tâm trạng như chị Khương. Sự háo hức tăng lên sau khi LĐLĐ tỉnh đăng tải thể lệ cuộc thi lên các nền tảng mạng xã hội, các nhóm zalo cán bộ Công đoàn.

Cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”: Hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động thi trực tuyến
Cán bộ Công đoàn Dệt May VIệt Nam háo hức tham gia cuộc thi.

Hôm 13/11, khi cuộc thi chính thức diễn ra, các nhóm zalo Công đoàn liên tục trao đổi, thảo luận về câu hỏi. Cuộc thi là nơi đoàn viên, người lao động và cán bộ Công đoàn thể hiện tình cảm với tổ chức Công đoàn trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

“Lịch sử 94 năm Công đoàn Việt Nam lần lượt được mở ra. Chúng tôi ôn lại truyền thống Công đoàn Việt Nam bằng cách tham gia cuộc thi như thế này, vừa nhẹ nhàng, vừa hấp dẫn, sâu sắc”, anh Phạm Quang Thông, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vedana chia sẻ.

Chị Trần Thị Xuân Hương – Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Lộc thì cho rằng: “Đây cũng là một cách thức đổi mới truyền thông, hướng đoàn viên, người lao động và các cấp Công đoàn cả nước về sự kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Qua đây cũng thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực thông tin cho đoàn viên, từng bước thực hiện chuyển đối số toàn hệ thống”.

Cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”: Hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động thi trực tuyến
Trong ảnh là cô Phan Thị Thuyền – Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Thuỷ Vân (Công đoàn thành phố Huế). Mặc dù nước ngập, sau khi kê cao đồ đạc trong nhà, dọn sách vở của học trò xong, cô Thuyền liền tham gia cuộc thi trực tuyến.

Đúng với tinh thần “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”, đoàn viên, người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia cuộc thi rất tích cực. Chị Trương Nguyễn Quỳnh Như, cán bộ Công đoàn Ban quản lý Chợ Đông Ba chia sẻ: “70/70 đoàn viên Công đoàn cơ sở chúng tôi đã hoàn thành bài thi ngay trưa ngày 13/11”. Rất nhiều Công đoàn cơ sở cho biết 100% đoàn viên đã hoàn thành bài thi.

“Không chỉ là giải thưởng, mà còn là trách nhiệm, tình cảm của mình đối với tổ chức Công đoàn”, anh Nguyễn Thế Hùng – công nhân Khu Công nghiệp Phú Bài bày tỏ.

Nhiều người lao động chưa phải là đoàn viên cũng hào hứng tham gia

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, người lao động của một hợp tác xã chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở rụt rè nhắn tin tới Fanpage Công đoàn Thừa Thiên Huế: “Tôi chưa phải là đoàn viên công đoàn nhưng thấy trong gia đình các em tôi tham gia cuộc thi sôi nổi quá, tôi có thể tham gia thi được không?”.

“Tôi chưa hiểu nhiều về tổ chức Công đoàn nhưng qua cuộc thi này, tôi tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam để làm bài và nhận thấy Công đoàn Việt Nam là tổ chức của người lao động, tôi mong được tham gia vào Công đoàn” – chị Hoa tâm sự.

Một số cán bộ Chi hội phụ nữ phường, xã cũng mong muốn tham gia cuộc thi này, mặc dù không phải đối tượng cuộc thi.

Cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”: Hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động thi trực tuyến
Đoàn viên Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kết quả đã hoàn thành cuộc thi.

Theo thể lệ, người dự thi được tham gia 2 lần thi mỗi đợt với 20 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu hỏi tự luận. Mỗi câu hỏi có từ 2 đến 4 phương án trả lời và chỉ có duy nhất một phương án đúng.

Dù thời gian làm bài 20 phút nhưng có nhiều đoàn viên, người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện bài thi với chỉ hơn… 1 phút.

“Khó nhất là câu 21, sáng tác 1 thông điệp có độ dài 500 chữ có ý nghĩa về tổ chức Công đoàn Việt Nam hoặc đề xuất ý tưởng, sáng kiến nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam”, các thí sinh nhận xét, cho biết thêm rằng nếu muốn đứng Top cuộc thi thì phải soạn trước câu này.

Có nhiều vần thơ cảm xúc trong phần thi này, chẳng hạn: Hướng về Đại hội mười ba/ Đoàn viên gửi gắm muôn lời tin yêu/ Công đoàn đổi mới thật nhiều/ Vì người lao động, làm nhiều điều hay!”.

Cảm xúc của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động cũng biến động hình sin khi theo dõi website của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Có những tiếng reo khi LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế nhích dần lên Top 3, và cả những tiếng xuýt xoa tiếc nuối khi “tụt hạng”, hay khi mạng nghẽn vì người tham gia thi quá đông.

“Có lẽ chúng tôi thức đêm để làm bài thi, hy vọng mạng không nghẽn để Thừa Thiên Huế giữ được vị trí Top 5”, chị Thủy Ngân, cán bộ LĐLĐ thị xã Hương Thủy nhắn qua messenger.

Cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng”: Hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động thi trực tuyến
Cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia.

Cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế giao Ban Tuyên giáo – Nữ công nghiên cứu tài liệu, hướng dẫn cơ sở và đoàn viên tham gia.

Theo thống kê của Ban tổ chức, chỉ sau 2 ngày, cuộc thi “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” thu hút trên 120 nghìn lượt dự thi của gần 90 nghìn đoàn viên, người lao động tại 50 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc tham gia.

LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh hiện đứng ở vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng với trên 21 nghìn lượt dự thi. Vị trí thứ hai và ba lần lượt thuộc về LĐLĐ các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Đặc biệt, có 5 địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên gồm: Lạng Sơn, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La đang giữ vị trí 10 đơn vị có số lượng lượt thi nhiều nhất. Thừa Thiên Huế hiện xếp vị trí thứ tám với gần 4,1 nghìn lượt dự thi, song có chất lượng tốt ở cả phần trắc nghiệm và tự luận – theo thông tin từ Ban tổ chức.

Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, để có kết quả khởi đầu ấn tượng như vậy, cùng với việc ban hành kế hoạch, Ban Tuyên giáo tổ chức sản xuất infographic hướng dẫn quy trình thực hiện và video quảng bá trên các nền tảng số của hệ thống Công đoàn. Kết quả là, chỉ trong 24h đăng phát các sản phẩm truyền thông về cuộc thi, đã có gần 50 nghìn lượt tiếp cận thông tin trên trang mạng xã hội (facebook) Công đoàn Việt Nam. Như vậy, cùng với việc ứng dụng công nghệ, độ bao phủ thông tin về cuộc thi đã đến cơ sở và đoàn viên, người lao động nói riêng.

Triển khai kế hoạch của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu như LĐLĐ tỉnh các tỉnh: Kiên Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang đã tổ chức phát động điểm cuộc thi trong cán bộ Công đoàn. LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đặt chỉ tiêu phấn đấu ít nhất có từ 90% đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trở lên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 100% cán bộ Công đoàn các cấp tham gia cuộc thi. Kết quả cuộc thi là tiêu chí xét thi đua khen thưởng năm 2023.

Số lượng đoàn viên, người lao động tham gia qua 2 ngày phát động cho thấy cuộc thi đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền về lịch sử các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là kết quả nhiệm kỳ 2018 – 2023; phương hướng nhiệm kỳ 2023 – 2028, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và ý nghĩa trong đoàn viên, người lao động hướng đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

N.Tú