Thông báo nêu rõ: Sau khi nghe Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương phát biểu, về các đề xuất, kiến nghị của Đại sứ quán Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, khẩn trương xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với những vấn đề có thể giải quyết ngay theo thẩm quyền.
Đối với những vấn đề phức tạp, chưa giải quyết được ngay thì khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải quyết với lộ trình cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả với tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động tìm giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc thúc đẩy thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của Đại sứ quán và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, gửi các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện; đồng thời thường xuyên đôn đốc, cập nhật tình hình giải quyết các đề xuất, kiến nghị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 10/2022.
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, sau 30 năm, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên cả bình diện song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Hai bên đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.
Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư, hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của Việt Nam.
Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài và thực tiễn triển khai các dự án đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, chính sách cũng như trong công tác triển khai thực hiện.