Đại biểu Quốc hội nhất trí cao cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều vấn đề về phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD), chính sách trọng dụng, phát triển nhân tài, tổ chức chính quyền Thủ đô… được các đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng) tán thành sửa đổi Luật Thủ đô để thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhin đến năm 2045.

Quan tâm đến cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ, về cơ chế thử nhiệm có kiểm soát tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng không nên chỉ giới hạn thử nghiệm tại khu công nghệ cao. Bởi vì việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ, vì có một số công nghệ cần được ứng dụng trong không gian thực tế, cần có cư dân sinh sống mới có hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội nhất trí cao cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc hội

Ví dụ robot giao thức ăn tự hành thì cần có cư dân sinh sống để bán thức ăn thử nghiệm đến nhà dân, trong khi tại các khu công nghệ cao thì có rất ít người dân sinh sống, nếu chỉ cho phép thử nghiệm trong khu công nghệ cao thì sẽ có rất ít nhu cầu đặt hàng do đa số nhân viên trong công ty đều ăn trong căng tin. Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị cần làm rõ phạm vi áp dụng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ, điểm a Điều 41 mới chỉ ra giải pháp công nghệ mới nhưng lại giới hạn khu vực khu công nghệ cao. Điểm b mới chỉ nêu địa điểm thử nghiệm chứ chưa đề cập cụ thể đến lĩnh vực công nghệ cần thử nghiệm tại các khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại một số địa điểm trên địa bàn thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch mà không rõ lĩnh vực thử nghiệm là gì. Vì vậy, cần chỉnh lý khoản 2 và bổ sung khoản 3 quy định riêng về địa bàn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như bổ sung một số lĩnh vực công nghệ.

Bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) góp ý, về tổ chức chính quyền đô thị, cần nghiên cứu mô hình của thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, không tổ chức Hội dồng nhân dân cấp quận.

Đại biểu Quốc hội nhất trí cao cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhất trí tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; đồng thời đề nghị cần đề xuất nêu rõ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành. Về cơ cấu cần xem xét quy định cứng trong luật về việc Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố là Thường trực Hội đồng nhân dân.

Về chu hút trọng dụng nhân tài, đại biểu nhất trí cần có cơ chế tốt, thoáng để phục vụ phát triển, nhưng có những nội dung còn chung chung, chưa có căn cứ pháp lý cụ thể như đào tạo học sinh, sinh viên có cơ chế đào tạo ra sao… và có chính sách ràng buộc.

Về dư nợ của Thủ đô, đại biểu nhất trí, nhưng cho rằng mức trần vay nợ không quá 120% mức thu ngân sách của Thành phố, tương tự như cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) ủng hộ sự cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Quan tâm đến quy định liên quan đến phát triển nhà ở, cải tạo chung cư tại các đô thị, đại biểu đề nghị rà soát có cơ chế chính sách về phát triển, cải tạo chung cư cũ có khác biệt gì so với các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?

Đại biểu Quốc hội nhất trí cao cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, nếu cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), còn nếu các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô về vấn đề này mà không có nội dung mới so với Luật Nhà ở (sửa đổi) thì không nên quy định lại để tránh sự trùng lặp.

Góp ý vào Điều 39 phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Bên cạnh đó, với mô hình này, cần có thiết kế mới nào để có thể chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD.

Tại Điều 46 vùng Thủ đô có 3 khoản, đại biểu kiến nghị gộp thành 1 khoản và đưa về Điều 3 về giải thích từ ngữ. Đại biểu cũng kiến nghị rà soát khoản 3 Điều 46, dự thảo luật cần bổ sung thêm một chương để làm rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực tăng trưởng thúc đẩy phát triển đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới.

Phương Thảo