Đảm bảo an toàn khi chùa Hương đón khách trở lại

 Để đáp ứng như cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương, mới đây Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mỹ Đức đã thông báo tổ chức đón khách tham quan di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) bắt đầu từ ngày 16/02/2022 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Đến thời điểm này, huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý di tích đang gấp rút chuẩn bị, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn khi chùa Hương đón khách trở lại.

Sẵn sàng đón khách vào 16 tháng Giêng

Nhận được tin chùa Hương bắt đầu tổ chức đón khách tham quan trở lại từ ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần, bà Nguyễn Thị Hương (xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cảm thấy vô cùng phấn khởi. Bà Hương cho rằng hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã chuyển trạng thái, nằm trong tầm kiểm soát và trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiếm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì việc mở cửa lại các di tích, điểm tham quan đầu năm để phục vụ nhu cầu của người dân là cần thiết.

“Người dân chúng tôi rất vui mừng khi thành phố Hà Nội cho phép chùa Hương mở cửa đón du khách. Năm nào tôi cũng đến chùa Hương vào đầu năm để cầu xin sự bình an, những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Năm nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, do vậy, tôi mong rằng mỗi du khách khi đi tham quan, vãn cảnh cần tự ý thức đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân và những người xung quanh”, bà Hương bày tỏ.

Đảm bảo an toàn khi chùa Hương đón khách trở lại
Nhiều người dân vui mừng khi chùa Hương mở cửa đón du khách trở lại.

Không chỉ riêng bà Hương, việc mở cửa chùa Hương đón khách cũng chính là niềm mong mỏi của rất nhiều du khách, các Tăng, Ni, Phật tử ở các địa phương khác. Là dịp để khách thập phương về lễ Phật cầu cho Quốc thái dân an, phật tử được trực tiếp về đây thắp nén nhang thơm dâng lên Quan thế Âm Bồ tát. Đây vừa là nét đẹp truyền thống đầu xuân kết hợp với tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của huyện. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa.

Được biết, đến thời điểm này, mọi công tác cho mở cửa đón khách đã được chuẩn bị chu đáo. Chính quyền, người dân địa phương và nhà chùa rất mong muốn được đón các du khách thập phương về thăm quan. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp cụ thể nhằm tuyên truyền, đề cao ý thức phòng, chống dịch, đi lễ hội văn minh.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 346/UBND-KGVX về tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn. UBND Thành phố thống nhất kiến nghị của Huyện ủy Mỹ Đức tại tờ trình số 568-TTr/HU ngày 8/2/2022 về việc đề xuất mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về thăm quan chùa Hương trong điều kiện “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng Kế hoạch Quản lý, tổ chức đón khách về tham quan Chùa Hương trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, khuyến cáo du khách thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế, riêng đối với các du khách chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 không nên đến khu di tích để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Huyện Mỹ Đức cũng đã thành lập 8 Tiểu ban (bao gồm: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Văn hóa – xã hội; Tiểu ban Kinh tế – Tài chính; Tiểu ban An ninh – Trật tự; Tiểu ban quản lý Di tích – thắng cảnh, vệ sinh môi trường; Tiểu ban điều hành vận chuyển khách và kiểm tra đò xuồng; Tiểu ban quản lý và điều hành cổng trạm, bến ô tô; Tiểu ban Y tế); 1 Trạm kiểm tra vé và điều hành đò, xuồng đi ra; 1 Tổ kiểm tra liên ngành…

Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được chú trọng. Cụ thể, tuyên truyền cho du khách việc thực hiện đúng 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên phương tiện truyền thông của xã và hệ thống phát thanh tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn.

Lắp dựng các cụm Pano, băng rôn, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá trực quan phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về khu di tích thắng cảnh, lễ hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, sử dụng loa cầm tay nhắc nhở du khách tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người như bến xe, đền Trình, Chùa Thiên Trù, ga cáp treo và Động Hương Tích…

Tại khu vực bán vé và cổng soát vé, lực lượng chức năng cũng sẽ hướng dẫn, yêu cầu du khách thực hiện nghiêm Hướng dẫn 5K của Bộ Y tế: yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã QR-Code. Đối với trường hợp đi theo đoàn đông người thì Trưởng đoàn khai báo y tế, cung cấp thông tin, số điện thoại phục vụ việc truy vết khi cần thiết.

Đảm bảo an toàn khi chùa Hương đón khách trở lại
Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác đã được chuẩn bị chu đáo.

Tổ chức lực lượng tham gia phục vụ tại 3 cổng trạm gồm: Cán bộ của huyện, xã, cán bộ y tế, công an, quân sự. Thời gian hoạt động 24/24h chia thành 3-4 kíp (mỗi kíp 8-10 người) và tăng cường vào ngày nghỉ khi lượng khách tăng. Bố trí đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các điểm chốt như phiếu khai báo y tế, mã QR-Code; nước/dung dịch sát khuẩn tay. Bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng để làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ: sốt, ho, mệt mỏi có yếu tố dịch tễ; có phiếu, tem đã kiểm tra phòng dịch Covid-19 cho phương tiện vào khu vực di tích.

Đối với các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như vệ sinh khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, hành khách ngồi trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách. Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu, nhắc nhở du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to, cười đùa; bỏ rác vào thùng chứa theo quy định; bố trí 1 xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống cấp cứu phát sinh.

Tại nơi thờ tự và thực hiện các nghi lễ tôn giáo, có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và kẻ vạch, bố trí theo một chiều; đảm bảo sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, khoảng cách; rút ngắn thời gian lễ; bố trí người đón lễ bên trong, người trả lễ ra bên ngoài theo 1 chiều và ngay sau khi lễ xong.

Tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng; ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường; bố trí bàn để dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào quán; yêu cầu thường xuyên đeo khẩu trang trừ khi ăn, uống.

Các bàn ăn có vách ngăn bằn kính, mica, nhựa đủ độ dày ngăn giữa bàn cao khoảng 60 cm. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại khu vực đón tiếp du khách; dưới các bàn ăn phải có 1-2 thùng đựng rác, chất thải theo quy định; khuyến khích, ưu tiên khách ăn theo xuất (đĩa/ hộp dùng một lần).

Ngoài ra, đối với Công ty vận tải cáp treo, thành lập tổ Y tế thường xuyên vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn tại các ca bin (phun từ 10-12 lần/ngày) trước mỗi lần đón khách lên và bố trí 1 chai dung dịch sát khuẩn nhanh/ca bin. Yêu cầu khách đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, trao đổi trên 10 phút và giữ khoảng cách.

Công tác xử lý môi trường phòng, chống dịch cũng được quan tâm. Theo đó, các lực lượng sẽ tập trung vệ sinh, khử khuẩn bằng phun cloramin B 0.1% và xử lý rác thải hàng ngày 2- 3 lần tại khu vực cổng vào, nơi bán vé, điểm thờ tự, bến xe; nhà vệ sinh ngày 3-4 lần. Khi phát hiện ca nghi ngờ, tiến hành cách ly y tế tại phòng cách ly ở Trạm Y tế xã Hương Sơn và Phòng khám đa khoa khu vực Hương Sơn. Cán bộ Trung tâm Y tế huyện thực hiện quy trình cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm đối với ca nghi ngờ.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đi lễ hội năm nay không thể như thường lệ, mà phải thực hiện theo bình thường mới, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Về phía người dân, cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế nơi công cộng, trong đó có hoạt động du xuân vãn cảnh đền, chùa như đeo khẩu trang y tế đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng, không tụ tập đông người…
K.Tiến